Biệt thự cổ ở Lâm Đồng: Không đợi mất bò mới lo làm chuồng

Khắc Dũng |

Chính quyền tỉnh Lâm Đồng bắt đầu rà soát các công trình xây dựng có dấu hiệu nguy hiểm hoặc hết niên hạn sử dụng.

 Các công trình này tập trung ở các trụ sở, nhà hết thời hạn sử dụng, đặc biệt lưu ý các biệt thự cũ và các nhà cổ và có biện pháp xử lý theo đúng quy định.

Lãng phí

Suốt gần 30 năm qua do áp lực về chỗ ở, hàng trăm hộ cán bộ CNVCLĐ được bố trí vào sống tại các công trình xây dựng cũ, nhất là các khu biệt thự cổ, trên địa bàn Đà Lạt.

Hàng trăm hộ làm nghề tự do cũng “nhảy dù” vào các công trình này để sống. Ngoài ra không ít biệt thự cổ cũng được sử dụng làm công sở, nhà làm việc cho các cơ quan, đơn vị...

Nhiều biệt thự, nhà cổ còn bị sang nhượng trái phép. Suốt một thời gian dài buông lỏng quản lý khiến cho quỹ công trình nhà cổ, biệt thự cổ của Đà Lạt và TP. Bảo Lộc bị xuống cấp nghiêm trọng, gây nguy hiểm không ít cho những người đang sinh sống bên trong nó; đồng thời, khối tài sản này của Nhà nước cũng bị xâm hại một cách nghiêm trọng.

Số liệu thống kê của Sở Xây dựng cho thấy: Tổng số biệt thự thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn tỉnh (chủ yếu nằm trên địa bàn Đà Lạt) là 212 ngôi với tổng diện tích sử dụng 63.364m2 và tổng diện tích đất khuôn viên là 562.663m2.

Đó là không kể các biệt thự đã giao cho các cơ quan, đơn vị thuộc lực lượng an ninh - quốc phòng, các cơ quan T.Ư đóng tại địa phương quản lý, sử dụng; và cũng không kể các biệt thự và công trình xây dựng cũ đã trở thành tài sản của các doanh nghiệp khi được cổ phần hóa.

Điều đáng nói, quỹ biệt thự này được sử dụng một cách hết sức lãng phí: 64 ngôi (20.423m2) được làm công sở, nhà làm việc; 79 ngôi (18.510m2) được bố trí làm nhà ở cho 561 hộ.

Lo dần là vừa

Sở Xây dựng Lâm Đồng cho rằng, nếu không xử lý quỹ biệt thự cổ Đà Lạt một cách triệt để, không biết điều gì đã xảy ra. Nói cách khác, không đợi đến khi “mất bò mới lo làm chuồng”.

Từ cuối những năm 1990 và đầu 2000, hàng trăm hộ dân (cán bộ CNVC, dân hành nghề tự do...) trong các khu biệt thự buộc phải dời ra ngoài với các điều kiện, chính sách kèm theo (đến nơi ở mới được chính quyền bố trí, được thưởng nếu tự giác di dời sớm...).

Tại khu biệt thự Lê Lai - Nguyễn Khuyến (Đà Lạt) có 15 ngôi với diện tích sử dụng 3.779m2 đã phải giải tỏa 105 hộ; khu biệt thự dọc đường Trần Hưng Đạo cũng đã phải giải tỏa 27 hộ...; hoặc như, 476 hộ CBCNVC được các cơ quan, đơn vị bố trí trong các công trình xây dựng cổ, các biệt thự cổ cũng đã được giải tỏa...

Sở Xây dựng phân thành 3 nhóm cho quỹ biệt thự là: Nhóm 1 gồm những biệt thự có giá trị về lịch sử, văn hóa; có giá trị đặc biệt về kiến trúc, cảnh quan, đại diện tiêu biểu cho một nền kiến trúc, một phong cách kiến trúc; còn bền vững về kết cấu chính (nhóm này gồm 5 dinh thự).

Nhóm 2 là những biệt thự không thuộc nhóm 1 nhưng có giá trị nhất định về lịch sử, văn hóa hoặc có giá trị nhất định về kiến trúc, cảnh quan, còn tương đối bền vững về kết cấu chính, giá trị sử dụng cao (có khả năng sinh lợi cao, nhóm này gồm 77 ngôi). Và nhóm 3 là những nhà biệt lập có khuôn viên đất rộng hoặc nhà dạng biệt thự đơn lẻ, khuôn viên đất đã bị chia cắt, nằm ở những vị trí ít quan trọng trong đô thị, ít giá trị về kiến trúc (gồm 96 ngôi).

Mới đây, UBND tỉnh Lâm Đồng đã có công văn thúc giục các cơ quan đơn vị cần tiếp tục thực hiện nghiêm túc việc rà soát các công trình hết thời hạn sử dụng, qua đó có biện pháp tu bổ, bảo tồn lâu bền các kiến trúc cổ có giá trị.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại