Bệnh nhân nhập viện cuối tuần qua trong tình trạng khóc quấy, sốt cao, miệng chảy nước bọt liên tục. Người nhà cho rằng có thể bé đã nuốt phần đầu của một con tôm luộc.
Soi thực quản, các bác sĩ phát hiện đầu tôm cắm vào thành sau họng, gây vết rách sâu dài khoảng 3 cm.
“Dị vật được gắp ra thành công, song bé phải tiếp tục được điều trị bằng kháng sinh để tránh biến chứng do nhiễm trùng”, một bác sĩ nói.
Phụ huynh cho biết, hôm ấy ngồi cùng bàn ăn với mẹ, lúc người lớn mải trò chuyện, bé lấy phần đầu tôm ăn rồi ho sặc sụa. Nghĩ bé bị vướng vỏ tôm, mẹ móc miệng con để lấy ra nhưng không được.
Theo các bác sĩ, hóc dị vật là một trong những tai nạn thường gặp ở trẻ, trong đó phần lớn trường hợp liên quan đến hóc thức ăn. Để tránh loại tai nạn này, phụ huynh cần dạy trẻ không được tự cho thức ăn vào miệng. Người lớn cũng không nên ép trẻ ăn lúc con đang khóc hoặc đang cười vì rất dễ bị sặc.
Trường hợp phát hiện bé bị hóc đầu tôm hoặc xương, do đây là dị vật nhọn có thể gây nhiễm trùng nên cách tốt nhất là đưa trẻ đến bệnh viện. Tránh móc họng trẻ vì cách làm này có khả năng khiến cho dị vật càng mắc sâu hơn.
Theo VnExpress