Trong 2 ngày tới, bão đi theo hướng tây nam, tốc độ 20 km mỗi giờ và xa dần đất liền Việt Nam. Đến 16h ngày 20/12, tâm bão cách Côn đảo khoảng 370 km, suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.
Dù không có khả năng đổ bộ vào Nam Bộ, nhưng bão kết hợp với không khí lạnh gây gió mạnh cấp 6-7 cho khu vực giữa và nam biển Đông, trời mưa dông mạnh. Ngoài khơi Trung Bộ, Nam Bộ và bắc biển Đông có gió đông bắc mạnh cấp 6-7.
Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão trung ương cho biết, trên đường chạy tránh trú bão, một tàu của Phú Yên đã bị chìm, 2 thuyền viên được cứu sống. Một tàu khác của tỉnh này đang neo đậu đã bị sóng đánh chìm. Hiện khu vực quần đảo Trường Sa, nơi bão sẽ đi vào, hiện có 255 tàu với trên 2.800 ngư dân hoạt động.
Tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão trung ương sáng 18/12, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đã yêu cầu tập trung ứng phó với bão trên biển. Các lực lượng khẩn trương kêu gọi, kiểm đếm tàu thuyền. Bộ Ngoại giao soạn thảo công hàm cho các quốc gia lân cận, tạo điều kiện cho ngư dân lên đảo trú tránh bão.
Bộ Quốc phòng được yêu cầu chỉ đạo duy trì lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn, sẵn sàng ứng cứu khi có yêu cầu. Các tàu thuyền đang hoạt động ở khu vực quần đảo Trường Sa chủ động di chuyển vào đảo và không để người trên tàu thuyền khi gió mạnh.
Phó thủ tướng lưu ý cần tránh tâm lý chủ quan, nhất là khi tàu thuyền khu vực phía Nam chủ yếu là loại nhỏ, ít kinh nghiệm chống bão như tàu miền Trung. Khu vực này cũng ít có đảo trú, tránh bão.
Washi là cơn bão thứ bảy đi vào biển Đông. Theo quy luật, thời điểm này biển Đông rất ít khi có bão. Trước đó bão đã vượt qua Philippines gây ra cơn đại hồng thủy làm gần 500 người chết, mất tích.
Theo NLĐ