Tiến sát bờ biển Ninh Bình - Thái Bình, 7h tối nay bão Sơn Tinh với sức gió đạt tới cấp 11 hoành hành khắp các huyện ven biển từ Ninh Bình tới Thái Bình. Hàng loạt ngôi nhà bị tốc mái, cây đổ ngổn ngang, điện lưới mất trên diện rộng.
Các lán ở một khu chợ xã Kim Đồng (huyện Kim Sơn, Ninh Bình) bị gió giật tả tơi. Ảnh: Hải Hà.
17h30, tại tuyến đê biển của huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định (giáp ranh Ninh Bình), gió mạnh cấp 11. Trực tiếp chống bão ở đây, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp Nam Định Nguyễn Phùng Hoan cho biết, nhiều cây cối ven đê gãy đổ do gió bão, sóng cao. "Bão đang bắt đầu đổ bộ vào", ông Hoan nói.
Tại huyện Kim Sơn (Ninh Bình), gió bão khiến cây cối đổ rạp, nhiều lán hàng bị tốc mái. Người dân không thể chạy xe máy ngoài đường mà phải dắt bộ.
Trong khi đó, tại huyện Hậu Lộc (giáp Ninh Bình), tuy mưa giảm nhưng gió bão vẫn mạnh cấp 7-8. Một số chòi, lán bán hàng ven đê của người dân bị tốc mái. Tại xã Ngư Lộc, điện lưới đột ngột mất khiến hàng nghìn hộ dân chìm trong bóng tối.
18h15, mưa lớn trải khắp một dải các huyện Giao Thủy, Hải Hậu, Nghĩa Hưng (Nam Định), Kim Sơn (Ninh Bình). Do nước triều ở mức thấp nên mưa đến đâu, nước tiêu đến đấy
Gió bão mạnh cũng lan khắp vùng biển Ninh Bình, Nam Định. Người dân không dám ra đường vì gió giật mạnh, không thể đứng vững.
Tại nhiều xã ven biển của các huyện này, điện lưới mất trên diện rộng.
18h45, cách bờ biển 20km song TP Thái Bình gió giật mạnh, mưa ào ạt, nhiều cây cối gãy đổ khắp các đường phố. Nhiều khu vực trong thành phố và các vùng lân cận mất điện.
Tại huyện ven biển Nga Sơn (Thanh Hóa), gió mạnh cấp 9-10, toàn huyện mất điện lưới từ 9h sáng nay vẫn chưa được cấp lại.
Theo Chánh văn phòng Sở GD&ĐT Thanh Hóa Lê Văn Nguồn, một trường tiểu học ở huyện Hoằng Hóa sập 500m tường rào. Sở GD&ĐT chỉ đạo căn cứ trên tình hình thực tế mưa bão để cho học sinh nghỉ học vào ngày mai. Trước đó, nhiều trường đã thông báo nghỉ học để lấy chỗ cho người dân sơ tán bão.
19h15, bão Sơn Tinh vẫn càn quét suốt dọc bờ biển phía bắc Thanh Hóa cho tới Thái Bình. Trong đó, ven biển Nam Định chịu ảnh hưởng nặng nhất với gió mạnh cấp 11-12.
Ngư dân ở huyện Nga Sơn (Thanh Hóa) đưa máy nổ của xuồng máy vào bờ. Ảnh: Lê Hoàng.
Trong khi đó, theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn, chiều tối 28/10, hướng đi của bão đã chếch hẳn về phía Hải Phòng. Đêm nay, bão di chuyển ngược lên phía bắc với tốc độ 10-15km mỗi giờ. Đến 4h sáng 29/10, tâm bão trên vùng bờ biển các tỉnh Quảng Ninh - Thái Bình. Sức gió giảm còn cấp 8-9. Sau đó, bão di chuyển theo hướng đông bắc ra phía biển và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới.
Cây đổ, mái tôn sập trong mưa bão ở thị trấn Kim Sơn, Ninh Bình. Ảnh: Hải Hà.
"Tâm bão chỉ "liếm" một chút vào đất liền các tỉnh khoảng nửa đêm và sáng này rồi vòng ra biển", Giám đốc Trung tâm khí tượng thủy văn trung ương Bùi Minh Tăng nhận định.
Theo ông Tăng, nếu theo diễn biến này thì ảnh hưởng của cơn bão đỡ nguy hiểm hơn vì hoàn lưu bão đã yếu đi nhiều, mưa lớn chủ yếu diễn ra trên biển. Đến tối và đêm nay, cường độ bão sẽ giảm thêm. Tuy nhiên, trong khoảng thời gian này, ven biển các tỉnh từ Thanh Hóa tới Thái Bình vẫn còn gió mạnh cấp 8-9.
Cơn bão đổi hướng di chuyển theo hướng vòng ra biển. Ảnh: NCHMF.
Ảnh hưởng của bão khiến khu vực phía bắc Vịnh Bắc Bộ (bao gồm cả các huyện đảo Cô Tô, Vân Đồn, Cát Hải, Bạch Long Vĩ) có gió mạnh cấp 8-9, vùng gần tâm bão đi qua cấp 10-11. Quảng Ninh đến Ninh Bình có gió mạnh từ cấp 7 đến cấp; đồng bằng Bắc Bộ và Thanh Hóa có gió giật cấp 6, cấp 7.
* Tiếp tục cập nhật