Sau khi đi qua Philippines làm ít nhất 25 người chết, sáng nay (28/7) bão Nock-Ten tiếp tục tiến sâu vào biển Đông. Đến 7h sáng nay, bão cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 530km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9, giật cấp 10, cấp 11.
Dự báo đến 7h ngày 30/7, vị trí tâm bão ở vào khoảng 19,9 độ Vĩ Bắc; 109,8 độ Kinh Đông, trên bờ biển phía Bắc đảo Hải Nam (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11, giật cấp 12, cấp 13. Tuy nhiên, cơn bão này sẽ còn tiếp tục tiến vào vịnh Bắc Bộ nước ta, dự báo vùng biển từ vĩ tuyến 15 sẽ diễn ra thời tiết nguy hiểm
Vào đến Vịnh Bắc Bộ bão Nock- Ten sẽ gây mưa to đến rất to khắp các tỉnh miền Bắc và Bắc Trung Bộ. (Ảnh: NCHMF)
“Từ ngày 30/7, hoàn lưu của bão đã gây mưa to đến rất to ở toàn bộ miền Bắc và các tỉnh thuộc Bắc Trung Bộ (từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế). Khác với đợt mưa to gây ra bởi bão số 2 diễn ra hồi cuối tháng 6, đợt mưa sắp tới có thể kéodàitrong 4 ngày trên diện rộng hơn và tổng lượng đạt khoảng 300-400 mm, một số nơi có thể cao hơn"- chuyên gia Trung tâm khí tượng Dự báo khí tượng thủy văn TƯ cho biết.
Cũng theo cảnh báo từ cơ quan khí tượng, hiện phía đông Philippines có một áp thấp nhiệt đới. Khi nó mạnh lên thành bão và hướng lên phía bắc, nhiều khả năng sẽ tương tác với Nock- Ten khiến đường đi của cơn bão thay đổi phức tạp. Do đó, các địa phương cần theo dõi chặt chẽ những dự báo tiếp theo để ứng phó.
Hà Nội lại có nguy cơ ngập úng
Trước cảnh báo đây là cơn bão mạnh, diễn biến phức tạp nhiều khả năng đổ bộ vào miền Bắc gây ngập úng tại các thành phố trong đó có Hà Nội, Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương, Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn đã gửi công điện khẩn đến Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn27 tỉnh, thành phố miền Bắc và miền Trung cùng một số bộ, ngành yêu cầu theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão. Yêu cầ các thành phố trong vùng ảnh hưởng chuẩn bị sẵn sàng để đối phó với ngập úng
Các địa phương ven biển phải thông báo kịp thời các chủ phương tiện, tàu thuyền và ngư dân đang hoạt động trên biển biết thông tin về bão để chủ động phòng tránh, thoát ra khỏi hoặc không đi vào vùng nguy hiểm; hướng dẫn tàu thuyền về nơi trú tránh an toàn; bao gồm cả khu vực Hoàng Sa.
Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương, cũng yêu cầu các địa phương chuẩn bị sẵn sàng phương án sơ tán dân khỏi những nơi nguy hiểm khi tâm bão đi qua kết hợp với triều cường, nước biển dâng; Rà soát, kiểm tra các trọng điểm xung yếu trên các hệ thống đê sông, đê biển, các công trình đang thi công để có phương án xử lý đảm bảo an toàn đê điều. Chuẩn bị các lực lượng, vật tư, thiết bị tại chỗ để sẵn sàng ứng cứu khi có tình huống xấu xảy ra.Các địa phương khu vực Trung du, miền núi và nội đồng kiểm tra phương án phòng chống lụt bão tại các khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, lũ ống, những vùng ven sông, ven suối, vùng thấp trũng bị chia cắt khi có lũ để có kế hoạch chủ động sơ tán ra khỏi khu vực nguy hiểm...
Theo Dân Trí