"Lì xì" bằng tiền không chỉ giới hạn trong mùng một Tết, mà "liền tù tì" suốt ba ngày đầu năm, thậm chí kéo dài tận những ngày "mùng" cuối cùng của Tết như mùng 9, mùng 10.
Trẻ con luôn háo hức đến Tết để được lì xì
Tiếng '' lì xì'' có gốc là ''lợi thì'' trong tiếng Trung. Trong tiếng Quan Thoại, tục này được gọi là "hồng bao", trong tiếng Quảng Đông là “lợi thị” hoặc “lợi sự”. Dù được gọi với tên gọi nào, lì xì cũng mang nghĩa là tiền hên, tiền may mắn, điều lành, điều tốt…
Phong bao lì xì còn tượng trưng cho tài lộc - người ta nhận được hay cho đi càng nhiều bao lì xì thì người ta càng tin rằng mình đã phát tài phát lộc... Phong tục lì xì có ý nghĩa tốt đẹp như vậy, nên nó được người Việt giữ gìn và duy trì đến tận ngày nay.
Tuy nhiên ngày nay nhiều chuyện bi hài đã phát sinh xung quanh phong tục có ý nghĩa đẹp này. Nếu như ngày trước việc lì xì là phụ thuộc và hoàn cảnh kinh tế và độ thân mật giữa người lì xì và người nhận lì xì thì ngày nay việc lì xì được coi như sự trao đổi có sự so sánh "nặng", "nhẹ" giữa các gia đình.
Chị Lan một nhân viện văn phòng tại Hà Nội bày tỏ lo lắng: "Năm nay thưởng Tết công ty thấp hơn năm ngoái mà vật giá lại leo thang, không biết phải mừng tuổi các cụ và các cháu đôi bên gia đình sao cho phù hợp. Nếu ít quá lại bị cười chê mà nhiều thì mình lấy đâu ra tiền".
Phong lì xì với nhiều ý nghĩa tốt đẹp.
Còn chị Phượng một người kinh doanh trên phố Hàng Bông Hà Nội thì nói: "Mọi năm nhà mình lì xì cho con của các bạn bè và các chủ hàng khá nhiều, nhưng được cái các gia đình đều biết ý nên cũng mừng lại cu cậu nhà mình cũng tương đối. Suy ra cũng giống kiểu trao đổi nhau để tạo không khí ngày Tết thôi chứ tiền con mình nhận cũng chính là tiền từ túi mình ra. Nhiều lúc thấy nó cũng mất đi ý nghĩa hay của phong tục này".
Nếu như chị Phượng và chị Lan chỉ lo lắng về khoản lì xì nho nhỏ giữa các gia đình anh em họ hàng và bạn bè thì anh Công sống tại Định Công, Hà Nội lại xót ruột khi nghĩ đến khoản lì xì con sếp: "Năm nào tôi cũng tới gia đình sếp thăm hỏi, vừa tạo không khí thân mật, lại giúp mối quan hệ thêm thân thiết. Nhưng khoản xót nhất vẫn là phong bao lì xì cho con sếp. Nhà sếp có 2 cu cậu, mỗi cu cậu cũng phải lì xì đứt 2 triệu. Tổng cộng là 4 triệu - số tiền có khi bằng tổng cộng tiền lì xì cả tết của con mình nhưng vẫn phải cắn răng "chịu chơi" không lại ngại với sếp"
Hay như chuyện nhà anh Minh, chị Hà ngại ngùng khi nhắc lại câu chuyện năm trước về cô con gái: "Năm ngoái bé nhà mình được bà nội lì xì cho 20 nghìn. Ngay khi bóc bao lì xì ra con bé đã vứt luôn đi và luôn miệng bảo bà nội lì xì ít quá. Thậm chí con bé còn so sánh với số tiền lì xì của chú bạn của bố ban sáng khiến bà nội tủi thân đến rớt nước mắt. Vợ chồng mình một đằng phải mắng con bé, một đằng phải xin lỗi mẹ vì quên chưa dạy cháu điều này. Nhưng có lẽ bà cũng đã rất buồn..."
(Tổng Hợp)