Bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi: Chết cũng phải chờ... đúng tuyến!

vytran |

Nhiều bệnh nhân vì muốn vượt tuyến để lên tuyến trên tốt hơn đã cố tình xin lên tuyến tốt nhất mà quên mất trình tự phân tuyến BHYT.

Gian nan đường đi

Từ đầu năm 2010, quy định khám chữa bệnh cho bệnh nhân có bảo hiểm phải đúng tuyến để giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên. Tuy nhiên đối với bảo hiểm y tế (BHYT) cho trẻ dưới 6 tuổi để thực hiện khám chữa bệnh đúng tuyến nhiều bậc cha mẹ lo sợ rằng: chờ đúng tuyến thì con mình càng nguy hiểm tới tính mạng nên chấp nhận phương án khám tự nguyện cho nhanh.

Nhiều gia đình bệnh nhân chấp nhận trái tuyến vì không chờ được BHYT, có người búc xúc: “Nếu đi đúng quy định của BHYT, dại miệng lỡ con tôi có làm sao thì ai chịu trách nhiệm? bệnh của cháu thuộc vào hệ cấp cứu nên chuyển đi sớm giờ nào, cơ hội cứu chữa cho cháu nhanh giờ đó. Nếu còn lên bệnh viện tỉnh, làm thủ tục nhập viện và chờ giấy chuyển viện nữa thì con tôi chỉ thêm nguy hiểm”.

Trong điều kiện như vậy, có một đề xuất: “Có thể xem xét lại quy định đúng tuyến trong BHYT ở trẻ nhỏ. Đối với trường hợp cấp cứu nên cho các cháu cơ hội được hưởng quyền lợi của trẻ nhỏ dưới 6 tuổi”.

Mập mờ quy định BHYT với bệnh nhân cấp cứu

Tại điều 1 Quyết định số 1005/QĐ-BHXH ngày 27/7/2007 của BHXH VN có quy định: “ Người bệnh có thẻ BHYT nhập viện trong tình trạng cấp cứu, chậm nhất 48 giờ kể từ khi nhập viện, phải xuất trình đầy đủ các giấy tờ cần thiết theo quy định để được hưởng đầy đủ quyền lợi khám chữa bệnh BHYT tại cơ sở khám chữa bệnh (KCB) kể từ ngày vào viện. Nếu sau 48 giờ mới xuất trình giấy tờ khám chữa bệnh, người bệnh chỉ được hưởng quyền lợi BHYT kể từ khi xuất trình đầy đủ giấy tờ khám chữa bệnh BHYT, các chi phí khám chữa bệnh phát sinh trong thời gian trước đó người bệnh tự thanh toán với cơ sở KCB và được cơ quan BHXH thanh toán một phần chi phí như đối với trường hợp KCB theo yêu cầu”.

Thực tế, nhiều bệnh nhân vì muốn vượt tuyến để lên tuyến trên tốt hơn đã cố tình xin lên tuyến tốt nhất mà quên mất trình tự phân tuyến BHYT. Một cán bộ của Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết: Trên thực tế, trong trường hợp bệnh nhi cấp cứu vẫn được BHYT chi trả. Nếu bệnh nhân phải cấp cứu thì khoảng cách cấp cứu phải gần nhất nên bệnh nhân mặc dù ở nội đô gần bệnh viện Nhi vẫn có thể đến thẳng bệnh viện này mà không cần phải qua tuyến thấp hơn.

Bệnh nhân xếp hàng chờ làm thủ tục BHYT tại BV Nhi TƯ

Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, các cơ quan chức năng vẫn chưa quy định cụ thể trường hợp như thế nào là cấp cứu. Nhiều trường hợp khi bác sĩ nói là cấp cứu nhưng giám định lại không phải là cấp cứu. Trong trường hợp này bệnh nhân chỉ được hưởng quyền lợi của BHYT trái tuyến, không được hưởng 100 % quyền lợi BHYT. Chính vì thế việc quy định cụ thể như thế nào là cấp cứu cũng rất cần thiết.

Việc giám định BHYT đúng tuyến tại Bệnh viện Nhi Trung ương là cán bộ của BHXH thành phố Hà Nội đảm nhiệm, không phải người của bệnh viện giám định nên bệnh viện sẽ thực hiện BHYT khi đã được BHXH giám định. Nhiều trường hợp, vì muốn con mình được điều trị ở nơi tốt nhất nên xin vượt tuyến nhưng khi vượt tuyến điều kiện chi trả khó khăn lại quay lại muốn xin bảo hiểm gây khó khăn cho cả bác sĩ điều trị cũng như BHYT.

Theo Phunutoday

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại