Trước đó, đội CSGT làm nhiệm vụ trên đường tỉnh 923 phát hiện và lập biên bản vi phạm ba xe chạy quá tốc độ và không có giấy tờ. Ba xe này đều do Trung Quốc sản xuất. Sau khi lập biên bản, tổ công tác đưa các xe này lên xe tải của CSGT chuyên chở xe gắn máy vi phạm.
Ba chiếc xe máy chỉ còn trơ khung sắt. Ảnh: Thanh niên
Khi chiếc xe tải đặc chủng đang chạy trên đường thì người dân đi đường phát hiện xảy ra cháy trên xe tải nên báo hiệu cho tài xế. Chiếc xe ngay lập tức được tấpvào lề đường, lái xe gọi điện cho lực lượng cứu hỏa và các đồng nghiệp đến hỗ trợ vì đã về gần đến công an huyện.
Khoảng 10 phút sau lửa mới được dập tắt. Ba xe gắn máy bị thiêu rụi hoàn toàn. Cabin xe tải cũng bị cháy xém một phần. Phần vô lăng điều khiển và một số bộ phận khác cũng bị ngọn lửa cháy xém.
Trách nhiệm thuộc về ai?
Tiến sỹ Nguyễn Minh Khương, Phó trưởng khoa Chữa cháy, Đại học Phòng cháy chữa cháy cho rằng, muốn biết trách nhiệm thuộc về ai trong trường hợp này thì cần phải tìm hiểu kỹ nguyên nhân tại sao dẫn đến vụ cháy.
Về lý thuyét, theo TS Khương, khi phương tiện của người dân bị thu giữ thì toàn bộ xe trên ô tô thuộc trách nhiệm của đơn vị xử phạt và người điều khiển chiếc ô tô đó chứ người dân không phải chịu trách nhiệm.
Còn Luật sư Trần Đình Triển, Trưởng văn phòng luật sư Vì Dân, Đoàn Luật sư Hà Nội cũng cho rằng, để quy trách nhiệm trước hết cần tìm hiểu rõ nguyên nhân gây ra vụ cháy: Cháy do xăng, cháy do khi đưa các phương tiện lên xe ô tô lực lượng chức năng không để ý khiến các phương tiện chà sát vào nhau tạo nên điểm cháy… để từ đó quy trách nhiệm.
Theo VnMedia