World Bank dự báo kinh tế Việt Nam tăng trưởng 4,8% năm 2021

Thùy An |

Dự báo này thấp hơn 2 điểm phần trăm được chính Ngân hàng Thế giới (WB) đưa ra hồi tháng 12/2020.

Trong báo cáo mới công bố, World Bank cho biết Nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng vững chắc ở mức 5,6% trong nửa đầu năm 2021, nhưng phải đối mặt với những rủi ro nghiêm trọng cả bên trong và bên ngoài. Trong đó đặc biệt là dịch bệnh COVID-19 bùng phát trong nước, và đã lan ra hầu hết các địa phương từ cuối tháng 4.

“Mặc dù có khả năng chống chịu tương đối tốt, nhưng nền kinh tế Việt Nam đã bị ảnh hưởng bởi các biện pháp hạn chế ngày càng nghiêm ngặt hơn nhằm kiểm soát đợt bùng phát dịch tháng 4 trong bối cảnh tỷ lệ tiêm vaccine còn thấp”, World Bank cho biết.

World Bank dự báo kinh tế Việt Nam tăng trưởng 4,8% năm 2021 - Ảnh 1.

Theo World Bank, COVID-19 tác động tiêu cực lớn đến kinh tế Việt Nam

World Bank dẫn số liệu trong tháng 7, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ giảm 19,8% (so cùng kỳ năm trước), là mức giảm lớn nhất kể từ tháng 4 năm 2020. Trong khi tăng trưởng ngành công nghiệp giảm từ 4,9% (so cùng kỳ năm trước) trong tháng 6 xuống còn 2,2% (so cùng kỳ năm trước) trong tháng 7.

Ngoài ra, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) cũng giảm xuống mức thấp nhất trong tháng 6/2021 kể từ tháng 5/2020.

Cũng theo World Bank, khu vực kinh tế đối ngoại đã mất đi một phần động lực, vì dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã giảm 11% trong 7 tháng đầu năm 2021 so với cùng kỳ năm 2020. Trong khi cán cân thương mại hàng hóa đã chuyển sang thâm hụt sau khi đạt kết quả thặng dư cao chưa từng có trong năm 2020.

“Có lẽ các đơn vị xuất khẩu đang phải đối mặt với tình trạng đứt gãy do đại dịch tái bùng phát, buộc họ phải đóng cửa nhà máy hoặc chỉ hoạt động cầm chừng, cũng như phải đối mặt với áp lực cạnh tranh ngày càng lớn từ những quốc gia khác có các hoạt động sản suất đang phục hồi mạnh mẽ hơn”, World Bank đánh giá.

Có thể tăng trưởng 4,8%

Về dự báo tăng trưởng, World Bank cho rằng nền kinh tế Việt Nam có thể tăng trưởng khoảng 4,8% trong năm 2021. Và hướng dần về tốc độ tăng trưởng trước đại dịch ở mức từ 6,5% đến 7,0% từ năm 2022 trở đi.

Đáng chú ý, dự báo này được World Bank đưa ra trên giả định rằng đợt bùng phát dịch hiện nay sẽ dần được kiểm soát, tạo điều kiện để nền kinh tế phục hồi trong quý IV.

Giai đoạn phục hồi cũng sẽ được hỗ trợ bằng việc đẩy nhanh chiến dịch tiêm vaccine diện rộng, sao cho ít nhất 70% dân số trưởng thành được tiêm chủng vào giữa năm 2022, giúp ngăn ngừa những đợt bùng phát dịch nghiêm trọng mới.

World Bank dự báo kinh tế Việt Nam tăng trưởng 4,8% năm 2021 - Ảnh 2.

World Bank dự báo kinh tế Việt Nam tăng trưởng 4,8% năm 2021

World Bank nhấn mạnh thêm rằng dự báo trên cần nhìn nhận thận trọng vì vẫn còn những bất định nghiêm trọng về quy mô và thời gian diễn ra đại dịch, trong đó có sự xuất hiện của các biến thể mới và tốc độ tiêm vaccine ở Việt Nam và ở các quốc gia khác trên thế giới.

Xử lý rủi ro tài khóa, tài chính và xã hội

Theo World Bank, mặc dù triển vọng của Việt Nam vẫn tích cực nhưng các cấp có thẩm quyền cần xử lý những rủi ro cao về tài khóa, tài chính và xã hội.

Cụ thể, World Bank cho rằng tác động của đại dịch COVID-19 đến thị trường lao động và các hộ gia đình đã trở nên trầm trọng hơn sau đợt bùng phát dịch tháng 2 và tháng 4. Đại dịch không chỉ làm giảm thu nhập của người lao động mà còn tạo ra bất bình đẳng sâu sắc hơn do có tác động khác nhau đến các nhóm thu nhập, ngành nghề, giới và địa bàn khác nhau.

“Các cấp có thẩm quyền nên cân nhắc tăng cường các chương trình đảm bảo xã hội, về phạm vi bao phủ, đối tượng mục tiêu và mức hỗ trợ, nhằm đảm bảo những nạn nhân hiện tại và tương lai của cú sốc kinh tế và dịch bệnh nhận được hỗ trợ đầy đủ”, World Bank đề xuất.

World Bank dự báo kinh tế Việt Nam tăng trưởng 4,8% năm 2021 - Ảnh 3.

Theo World Bank, Việt Nam cần cảnh giác những rủi ro cao về tài khóa, tài chính và xã hội.

World Bank cũng cho rằng Việt Nam cần cảnh giác với rủi ro khu vực tài chính đang tăng lên do khủng hoảng. Mặc dù tín dụng ngân hàng mới hoặc được tái cơ cấu cung cấp hỗ trợ đáng hoan nghênh cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng, nhưng cũng góp phần chuyển giao rủi ro từ khu vực kinh tế thực sang khu vực tài chính.

Cơ quan thực hiện chính sách tiền tệ sẽ cần thận trọng với rủi ro nợ xấu đang gia tăng, đặc biệt ở các ngân hàng có mức vốn hóa chưa đảm bảo trước đại dịch.

“Đây là lúc cần thông qua một kế hoạch giải quyết nợ xấu, và xây dựng cơ chế rõ ràng để xử lý những ngân hàng yếu kém và gặp khó khăn, đồng thời tiếp tục tái cơ cấu vốn ngân hàng để đáp ứng các yêu cầu theo chuẩn Basel II”, World Bank nói.

Ngoài ra, Việt Nam cũng cần cảnh giác với rủi ro tài khóa. Mặc dù Chính phủ vẫn còn đủ dư địa tài khóa, với tỷ lệ nợ công trên GDP rơi vào khoảng 55,3% GDP vào cuối năm 2020, nhưng kinh nghiệm quốc tế cho thấy tình hình tài khóa có thể xấu đi tương đối nhanh chóng nếu đợt bùng phát dịch hiện nay không sớm được kiểm soát hoặc các đợt dịch mới lại nổ ra trong những tháng tiếp theo.

“Chính phủ có thể phải mở rộng gói hỗ trợ tài khóa, vốn còn khiêm tốn đến thời điểm này, trong khi thu ngân sách có thể chịu ảnh hưởng tiêu cực do nền kinh tế phục hồi yếu hơn so với kỳ vọng. Tại thời điểm này, rủi ro tài khóa có vẻ vẫn trong tầm kiểm soát, nhưng vẫn cần tiếp tục được theo dõi sát sao, đặc biệt là vì rủi ro này liên quan đến sức khỏe tài chính của các doanh nghiệp Nhà nước, dễ trở thành nợ tiềm tàng”, World Bank đánh giá.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại