Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã tuyên bố đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ (mpox) đang diễn ra ở Châu Phi là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu. Tuyên bố vừa được Tổng giám đốc Tedros Adhanom Ghebreyesus đưa ra trong cuộc họp khẩn cấp của WHO trước bối cảnh, cảnh đậu mùa khỉ đã gây ra gần 40.000 ca nhiễm và 1.500 ca tử vong ở Châu Phi.
Kể từ đầu năm 2024 đến nay, số lượng ca mắc đậu mùa khỉ ở Châu Phi đã tăng 160% so với cùng kỳ năm ngoái. Dịch bệnh ảnh hưởng xuyên biên giới, với nhiều quốc gia bao gồm Burundi, Cameroon, Congo, Ghana, Liberia, Nigeria, Rwanda, Cộng hòa Dân chủ (CHDC) Congo, Nam Phi, Uganda và Kenya. Trong đó, CHDC Congo chiếm hơn 96% tổng số ca mắc và tử vong.
Lo ngại về dịch bệnh sẽ không chỉ dừng lại ở Châu Phi, một nhóm các chuyên gia độc lập đã họp trực tuyến vào hôm qua để tư vấn cho Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus về mức độ nghiêm trọng của đợt bùng phát.
Sau cuộc tham vấn, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus tuyên bố đậu mùa khỉ hiện là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng gây ra mối quan ngại quốc tế — mức báo động cao nhất theo luật y tế hiện nay.
Trước đó một ngày, Cơ quan giám sát y tế của Liên minh châu Phi (CDC) cũng đã ban bố tình trạng khẩn cấp về y tế công cộng trên toàn lục địa đối với bệnh đậu mùa khỉ.
Tình trạng khẩn cấp toàn cầu có nghĩa là gì?
"Việc phát hiện một nhánh virus đậu mùa khỉ mới đang lây lan mạnh mẽ ở miền đông Cộng hòa Dân chủ Congo, cộng với việc phát hiện ra nó ở các quốc gia lân cận trước đây chưa từng báo cáo về đậu mùa khỉ là rất đáng lo ngại. Khả năng đậu mùa khỉ sẽ còn lây lan xa hơn nữa ở Châu Phi và thậm chí vượt ra khỏi châu lục", ông Ghebreyesus nói.
"Ủy ban khẩn cấp đã họp và thông báo với tôi rằng tình hình này cấu thành tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng gây ra mối quan ngại quốc tế. Tôi đã chấp nhận lời khuyên đó".
Còn được gọi là PHEIC, đây là tình trạng được WHO quy định cho "các sự kiện bất thường" gây ra rủi ro sức khỏe cộng đồng trên phạm vi quốc tế. Trước đây, PHEIC đã được thiết lập cho đại dịch COVID-19, đại dịch Ebola năm 2016 và đại dịch cúm lợn H1N1 năm 2009.
Theo WHO, những đợt bùng phát dịch bệnh được tuyên bố là PHEIC sẽ cần một phản ứng phối hợp giữa nhiều quốc gia để giải quyết.
"Mọi người đều nhất trí rằng đợt bùng phát đậu mùa khỉ hiện tại, sự gia tăng số ca nhiễm, là một sự kiện bất thường", Chủ tịch ủy ban khẩu cấp của WHO Dimie Ogoina cho biết. "Những gì chúng ta đang thấy ở Châu Phi hiện mới chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. … Chúng ta chưa thể nhận ra, hay nói cách khác, chúng ta chưa có bức tranh toàn cảnh về đợt bùng phát đậu mùa khỉ lần này".
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Châu Phi, kể từ đầu năm, hơn 17.000 trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ và hơn 500 ca tử vong đã được báo cáo tại 13 quốc gia trên khắp lục địa. Số ca mắc cao nhất - hơn 14.000 người tương đương 96% - xảy ra ở CHDC Congo.
Trong nhiều thập kỷ, đậu mùa khỉ chủ yếu được phát hiện ở Trung và Tây Phi, nhưng nó cũng bắt đầu lây lan ở Châu Âu và Bắc Mỹ vào năm 2022. Năm 2023, Việt Nam cũng ghi nhận một đợt bùng phát đậu mùa khỉ, với 121 ca mắc và 6 ca tử vong.
Các ca bệnh này đa số ghi nhận tại Thành phố Hồ Chí Minh và một số địa phương khác như Lâm Đồng, Long An, Bình Dương, Cần Thơ... Trường hợp mắc chủ yếu là nam giới (chiếm hơn 90%), trong đó nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) chiếm tỷ lệ cao nhất.
Bệnh đậu mùa khỉ nguy hiểm như thế nào?
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đậu mùa khỉ là một bệnh truyền nhiễm gây ra bởi virus Mpox (Monkeypox virus). Đây là một loại virus lây nhiễm từ động vật sang người, thuộc chi Orthopoxvirus, cùng chi với virus Variola gây ra bệnh đậu mùa.
Khi lây nhiễm trên người, Mpox gây ra các triệu chứng giống với bệnh đậu mùa nhưng ở thể nhẹ hơn. Bệnh nhân ban đầu thường sốt, đau cơ và đau họng. Khi virus tiếp tục nhân lên trong cơ thể, chúng sẽ gây ra những cơn đau đầu dữ dội, làm sưng hạch bạch huyết và khiến bệnh nhân mệt mỏi, suy nhược.
Tiếp đó, virus tập trung lại và tạo thành các ổ phát ban bên ngoài bề mặt da. Giai đoạn đầu của phát ban, bệnh nhân sẽ thấy ngứa và nổi các nốt phẳng trên da, thường tập trung ở các vị trí như lòng bàn tay, lòng bàn chân, mặt, niêm mạc miệng, cổ họng, hậu môn và bộ phận sinh dục.
Một vài ngày sau, các nốt phẳng sưng lên, tiến triển thành mụn nước. Khi mụn nước quá lớn, chúng sẽ vỡ ra, giải phóng virus tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm cho người tiếp xúc. Vết thương của bệnh nhân sau đó khô lại, đóng vảy và hình thành da mới.
Toàn bộ các triệu chứng này diễn ra trong vòng 2-4 tuần. Đa số các bệnh nhân có thể tự khỏi bệnh. Tuy nhiên, nếu bệnh nhân có hệ miễn dịch kém, virus Mpox sẽ tồn tại dai dẳng trong cơ thể và gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như nhiễm trùng thứ phát, viêm phổi, nhiễm trùng máu, viêm não và mù lòa do tổn thương giác mạc.
Các đối tượng dễ bị biến chứng sau khi nhiễm đậu mùa khỉ nhất là trẻ em, người già, người có hệ miễn dịch suy yếu, người nhiễm HIV hoặc các bệnh suy yếu miễn dịch khác. Phụ nữ nhiễm virus đậu mùa khỉ trong thời kỳ mang thai có thể dẫn tới thai chết lưu.
Mpox được đặc trưng bởi hai nhánh di truyền, I và II. Mỗi nhánh đậu mùa khỉ là một nhóm rộng các virus đã tiến hóa riêng biệt trong nhiều thập kỷ. Nhánh II chịu trách nhiệm cho đợt bùng phát đậu mùa khỉ năm 2022, trong khi đó, nhánh Ib đang gây ra dịch bệnh hiện tại, được đánh giá là nghiêm trọng hơn và có tỷ lệ tử vong cao hơn.
Đậu mùa khỉ nhóm II gây ra tỷ lệ tử vong khoảng 0,1% . Nói cách khác, cứ một nghìn người thì có khoảng một người tử vong. Thế nhưng, đợt bùng phát đậu mùa khỉ ở Châu Phi hiện tại có sự xuất hiện của virus nhánh I, với tỷ lệ tử vong gấp 30-40 lần.
Điều đó có nghĩa là cứ một trăm người thì có ba hoặc bốn người tử vong. Nhiều trường hợp là trẻ em. Chúng ta hãy lấy COVID-19 làm ví dụ so sánh một lần nữa. Dịch bệnh này được tuyên bố là tình trạng khẩn cấp công cộng quốc tế từ ngày 30 tháng 1 năm 2020 đến ngày 31 tháng 12 năm 2021, với tỷ lệ tử vong ước tính là 1,2%.
Con số của virus đậu mùa khỉ nhánh I hiện là 3-4%.
Liệu đậu mùa khỉ có trở thành một đại dịch toàn cầu?
"Hiện tại, chúng ta không chỉ đối mặt với đợt bùng phát của một nhóm virus, chúng ta đang giải quyết nhiều đợt bùng phát của nhiều nhóm virus ở nhiều quốc gia khác nhau với các phương thức lây truyền và mức độ rủi ro khác nhau", Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus giải thích.
Việc đậu mùa khỉ có vượt qua PHEIC để trở thành đại dịch toàn cầu hay không phụ thuộc vào phản ứng của các quốc gia hiện tại.
Tuần trước, các quan chức WHO cho biết loại virus này có thể được ngăn chặn "một cách khá đơn giản, nếu chúng ta làm đúng việc vào đúng thời điểm". Họ tiếp tục kêu gọi hợp tác trên quy mô quốc tế trong việc tài trợ và tổ chức các nỗ lực dập tắt dịch bệnh, đồng thời tài trợ cho nghiên cứu để hiểu rõ hơn về nhánh Ib và sự lây lan của nó.
"Rõ ràng là cần có phản ứng phối hợp trên quy mô quốc tế để ngăn chặn những đợt bùng phát này thì mới có thể cứu sống được nhiều người", ông Tedros Adhanom Ghebreyesus nói.
WHO hiện đã ký quy trình Liệt kê Sử dụng Khẩn cấp cho cả 2 loại vắc-xin đậu mùa khỉ và xây dựng kế hoạch ứng phó khu vực. Dự tính, nỗ lực này sẽ tiêu tốn 15 triệu USD, nhưng mới chỉ có 1,5 triệu USD được giải ngân từ Quỹ Dự phòng Khẩn cấp của WHO.
Theo Tim Nguyen của Chương trình Khẩn cấp Y tế của WHO, hiện tổ chức này đã dự trữ được 500.000 liều vắc-xin đậu mùa khỉ và đang sản xuất thêm 2,4 triệu liều nữa từ giờ cho tới cuối năm nay.
Tiến sĩ Abdou Salam Gueye, Giám đốc Chương trình Khẩn cấp Khu vực Châu Phi, cho biết CHCD Congo và Nigeria sẽ là những quốc gia đầu tiên nhận được các loại vắc-xin do WHO tài trợ.
Tổ chức này nhấn mạnh rằng vắc-xin chỉ là một phần của biện pháp ứng phó; việc ngăn chặn sự lây lan cũng sẽ đòi hỏi phải tăng cường giám sát, chẩn đoán và nghiên cứu để lấp đầy "những khoảng trống trong hiểu biết".
Virus Mpox chủ yếu lây nhiễm từ người sang người thông qua tiếp xúc gần gũi, các con đường tiếp xúc phổ biến được liệt kê bao gồm:
- Mặt đối mặt (nói chuyện hoặc thở)
- Da kề da (sờ, chạm hoặc quan hệ tình dục)
- Truyền miệng (hôn)
- Miệng kề da (quan hệ tình dục bằng miệng hoặc hôn da)
- Các giọt hô hấp hoặc khí dung phát tán trong phạm vi hẹp
Điều đó có nghĩa là khi một người khỏe mạnh tiếp xúc với người mang virus đậu mùa khỉ thông qua các con đường trên, họ nhiều khả năng sẽ nhiễm bệnh. Ngoài ra, tiếp xúc gián tiếp với đồ vật mang bệnh phẩm của người nhiễm bệnh như quần áo, ga trải giường, khăn mặt, bàn chải, đồ dùng vệ sinh cá nhân, kim xăm… cũng tạo ra nguy cơ lây nhiễm.
Cơ chế lây nhiễm này được WHO gọi là lây truyền qua vật trung gian (fomite). Bất kể khi nào người bệnh đậu mùa khỉ để lại dịch cơ thể chứa virus của họ trên một bề mặt hoặc vật phẩm, người khỏe mạnh tiếp xúc với dịch này và để dịch đó nhiễm vào niêm mạc, vết loét hoặc vết thương hở thì sẽ tiềm ẩn nguy cơ cao nhiễm bệnh.
Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo người dân tự bảo vệ mình trước virus đậu mùa khỉ bằng cách rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, đeo khẩu trang, hạn chế đến vùng có dịch bệnh lưu hành, hạn chế tiếp xúc (đặc biệt là không quan hệ tình dục) với người có triệu chứng nghi ngờ nhiễm đậu mùa khỉ.
Ngoài ra, bạn nên che chắn hoặc băng các vết thương hở xuất hiện trên cơ thể mình, súc miệng nước muối để điều trị vết loét nếu có trong miệng, tránh chạm vào các bề mặt nghi ngờ có mầm bệnh.
Nếu nghi ngờ bản thân nhiễm đậu mùa khỉ hoặc tiếp xúc với người nhiễm bệnh đậu mùa khỉ, người dân cần tự cách ly và liên hệ ngay với cơ quan y tế để được tư vấn, xét nghiệm và điều trị kịp thời.