Crimea và hành lang đất liền của Nga có thể là mục tiêu tiếp theo
Sau khi các lực lượng Ukraine vượt sông Dnipro , tiến vào vùng lãnh thổ do Nga kiểm soát ở tả ngạn Kherson, giới chức nước này và phương Tây hy vọng Kiev có thể tạo ra một bước đột phá quan trọng trong cuộc phản công kéo dài 6 tháng qua.
Binh sỹ Ukraine vượt sông. Ảnh: Kyivpost
Sông Dnipro được coi như một tiền tuyến tại vùng Kherson, phía Nam Ukraine, đóng vai trò là rào cản tự nhiên ngăn cách quân đội Ukraine ở bờ Tây và lực lượng Nga ở bờ đông (tả ngạn). Nga đã tiến về bờ đông sau khi rút khỏi thành phố Kherson vào năm 2022. Ukraine sau đó đã giành lại quyền kiểm soát thành phố này. Hồi đầu tháng 11, Ukraine chính thức xác nhận các lực lượng nước này, trong đó có thủy quân lục chiến và các đơn vị tác chiến đặc biệt, đã vượt sông Dnipro với số lượng lớn và thiết lập được một số đầu cầu đổ bộ ở bờ đông.
Các chuyên gia phương Tây cho rằng đây là một bước tiến nhỏ nhưng rất quan trọng, làm dấy lên hy vọng Ukraine có thể lập phòng tuyến tại các vị trí đã giành được và tiến về phía Nam tới Crimea, nhằm phá vỡ hành lang đất liền kết nối giữa lục địa Nga và bán đảo Crimea chạy qua một số vùng lãnh thổ mà Moscow kiểm soát ở miền Nam Ukraine.
Oleksandr Musiyenko, người đứng đầu Trung tâm Nghiên cứu Quân sự và Pháp lý có trụ sở tại Kiev nhận định: “Tả ngạn sông Dnipro có vai trò rất quan trọng vì nằm gần bán đảo Crimea. Các lực lượng của chúng tôi hiện đang có mặt tại vùng tả ngạn, chỉ cách Crimea khoảng 70km. Nếu thành công trong chiến dịch tấn công này, chúng tôi sẽ di chuyển ở phía sau lực lượng Nga, tìm cách phá vỡ tuyến hậu cần của họ. Ngoài ra, chúng tôi cũng có thể tiến về phía Tây và phía Nam tới Crimea. Nga sẽ phải đối mặt với nhiều rắc rối lớn”.
Quy mô cuộc vượt sông của Ukraine đã khiến các chỉ huy quân sự Nga lo ngại trong bối cảnh Moscow đang tập trung phần lớn lực lượng ở miền Đông. Thống đốc khu vực Kherson do Nga bổ nhiệm, ông Vladimir Saldo nói rằng “Ukraine đã đưa binh sỹ qua sông Dnipro nhiều hơn mức mà hỏa lực của chúng tôi có thể bắn hạ”. Một số báo cáo cho biết, các cuộc giao tranh dữ dội đang diễn ra xung quanh một số ngôi làng ở tả ngạn, trong đó khu định cư Krynky là tâm chấn khi Nga cố gắng tấn công đáp trả và ngăn Ukraine tiến về phía Nam tới bán đảo Crimea.
Quân đội Ukraine tuần trước tuyên bố đã đẩy lùi Nga ra khỏi khu vực cách sông Dnipro từ 3 đến 8km, khiến Moscow không thể tấn công các cứ điểm của Ukraine ở bờ tây con sông bằng pháo cối. Bộ Quốc phòng Anh đánh giá các trận chiến giữa lực lượng bộ binh và pháo binh của 2 bên khá khó khăn do diễn ra trên địa hình phức tạp, nhiều cây cối.
“Ukraine đã sử dụng khá hiệu quả máy bay không người lái tấn công cỡ nhỏ trong khi không quân Nga tiến hành nhiều cuộc xuất kích để hỗ trợ cho các đơn vị trên tiền tuyến. Máy bay chiến đấu của họ chủ yếu thả bom đạn từ khu vực nằm ngoài phạm vi phòng không của Ukraine”, Bộ Quốc phòng Anh lưu ý.
Mặc dù các trận đánh xung quanh làng Krynky có quy mô nhỏ hơn so với nhiều trận đánh khác ở tả ngạn sông Dnipro, nhưng lại được các chỉ huy Nga đặc biệt quan tâm vì họ muốn kiềm chân quân đội Ukraine ở phía tây con sông, giữ giới tuyến ổn định và hạn chế việc điều lực lượng từ các nơi khác đến đế yểm trợ.
Ukraine có dễ bước qua “lưới lửa” của Nga?
Hoạt động Ukraine nhằm duy trì và mở rộng đầu cầu đổ bộ ở bờ Đông con sông diễn ra vào thời điểm cuộc phản công mà nước này tiến hành từ tháng 6 vừa qua đạt được rất ít tiến triển, trong khi nỗ lực viện trợ của phương Tây đang có chiều hướng suy giảm.
Phát biểu với Sky News, nhà phân tích quân sự Sean Bell cho rằng, con đường phía trước vẫn còn là thách thức lớn đối với Ukraine dù Nga đang gặp khó khăn trong việc bảo vệ phòng tuyến và tiếp tế nguồn lực cho các đơn vị đồn trú tại Kherson.
Ông Sean Bell lưu ý: “Mặc dù Nga đã thiết lập một số vị trí phòng thủ gần sông Dnipro, nhưng nếu Ukraine có khả năng mở rộng và bảo vệ vững chắc cứ điểm ở bờ đông con sông thì điều này sẽ đe dọa sườn phía tây của Nga. Khi đó Kiev có thể tiến hành một cuộc tấn công từ sông Dnipro, vượt qua các tuyến phòng thủ nhiều lớp của Nga gần Zaporizhzhia và buộc Moscow phải rút lực lượng dọc hành lang trên bộ dẫn tới Crimea”.
Đây sẽ là kịch bản khả quan đối với Ukraine vì họ có thể giành lại phần lớn lãnh thổ do Nga kiểm soát, đánh dấu bước đột phá đáng kể trong cuộc phản công. Tuy vậy, thời tiết giá lạnh trong mùa đông sẽ gây bất lợi cho các hoạt động di chuyển, ngăn cản chiến thuật tác chiến cơ động. Nga có thể tận dụng thời điểm “đóng băng” trong cuộc xung đột để tái củng cố lực lượng, ngăn cản Ukraine đạt bước đột phá quan trọng.
Trong khi đó, Nga dường như tỏ ra khá lạc quan về tình hình tại Kherson. Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu tuyên bố, Ukraine đang phải chịu “tổn thất to lớn” ở bờ đông sông Dnipro.
“Mọi nỗ lực của Lực lượng vũ trang Ukraine nhằm tiến hành chiến dịch đổ bộ theo hướng Kherson đều không thành công. Nhờ những hành động chủ động và chuyên nghiệp của quân nhân Nga, các đơn vị Thủy quân lục chiến và lực lượng đặc nhiệm của Ukraine đang phải gánh chịu tổn thất to lớn”, ông Shoigu cho biết khi phát biểu trước các quan chức Bộ Quốc phòng Nga.