Interfax cho biết, đại diện chính quyền của người Armenia ở vùng Nagorno-Karabakh ngày 26/3 đã gửi yêu cầu đến Tổng thống Nga Vladimir Putin, đề nghị Moscow tăng số binh sĩ gìn giữ hoà bình và thiết bị quân sự tới khu vực để giúp họ đảm bảo an ninh trước Azerbaijan.
Binh sĩ gìn giữ hòa bình Nga ở Nagorno-Karabakh. Ảnh: TASS
"Các hành vi của Azerbaijan không cho phép chúng tôi có cuộc sống bình yên, vì vậy, chúng tôi tin rằng các biện pháp an ninh bổ sung là cần thiết", chính quyền của người Armenia tại Nagorno-Karabakh khẳng định, đồng thời xác nhận họ đã ban bố thiết quân luật ở khu vực.
Cùng ngày, Bộ Quốc phòng Nga ra thông cáo khẳng định, quân đội Azerbaijan đã vi phạm các thỏa thuận kí cùng Nga và Armenia về tình hình Nagorno-Karabakh khi tiến vào vùng đệm do lực lượng gìn giữ hoà bình Nga đảm bảo an ninh, rồi 4 lần bắn phá các mục tiêu quân sự Armenia bằng máy bay không người lái Bayraktar-TB2 do Thổ Nhĩ Kỳ cung cấp.
"Hiện tại, chỉ huy lực lượng gìn giữ hòa bình Nga đang tiến hành các biện pháp giải quyết tình hình. Một yêu cầu rút quân đã được gửi tới phía Azerbaijan", quân đội Nga thông tin.
Từ Baku, Bộ Quốc phòng Azerbaijan bác bỏ cáo buộc của Nga và người Armenia, khẳng định nước này không vi phạm điểm nào trong thoả thuận với Nga-Armenia.
"Chúng tôi rất tiếc phải tuyên bố rằng tàn tích của quân đội Armenia và các nhóm dân quân Armenia bất hợp pháp khác vẫn chưa được rút khỏi khu vực. Armenia mới là bên vi phạm các nội dung của thoả thuận", quân đội Azerbaijan nhấn mạnh.
Theo Interfax, Tổng thống Nga Putin đã có các cuộc điện đàm với Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan trong hai ngày 24 và 25/3; còn Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu đã thảo luận với người đồng cấp Azerbaijan Zakir Hasanov về căng thẳng ở khu vực.
Đợt căng thẳng này nổ ra giữa lúc Nga đang tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. Một số nguồn tin lo ngại xung đột ở Nagorno-Karabakh có thể bùng phát nghiêm trọng giữa lúc cộng đồng quốc tế tập trung vào căng thẳng giữa Moscow và Kiev.
Nagorno-Karabakh, vùng đất thuộc chủ quyền Azerbaijan, nhưng là nơi sinh sống của người gốc Armenia và do lực lượng thân Armenia kiểm soát, đã chứng kiến cuộc xung đột đẫm máu làm gần 5.000 người chết từ tháng 9 đến tháng 11/2020 giữa Azerbaijan và Armenia.
Tháng 11/2020, Nga môi giới thành công một thoả thuận ngừng bắn 3 bên cùng Armenia và Azerbaijan, rồi sau đó triển khai lực lượng gìn giữ hoà bình đến khu vực. Theo thoả thuận của Nga, Armenia chấp nhận trao trả các phần lãnh thổ mà Azerbaijan chiếm được trên thực địa, song vẫn được bảo lưu quyền kiểm soát phần lớn vùng Nagorno-Karabakh.