Liên quan vụ việc 1 thẩm phán tại TAND huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông "qua mặt" lãnh đạo tạo lập 57 hồ sơ khống , phóng viên đã có cuộc trao đổi với luật sư Tạ Quang Tòng - Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Đắk Lắk - về vụ việc gây xôn xao dư luận mấy ngày qua.
TAND huyện Đắk Song nơi xảy ra vụ việc hy hữu
Theo luật sư Tạ Quang Tòng, hành vi làm giả 57 bộ hồ sơ của bà Bùi Thị Dung - nguyên Thẩm phán TAND huyện Đắk Song - có dấu hiệu vi phạm pháp luật là làm giả tài liệu cơ quan nhà nước và xâm phạm hoạt động tư pháp.
Luật sư Tòng phân tích: Ngoài việc tạo lập hồ sơ khống, giả mạo tài liệu cơ quan nhà nước, bà Dung còn có dấu hiệu xâm phạm hoạt động tư pháp. Ở đây hoàn toàn không có việc kiện tụng, khiếu nại gì nhưng vẫn thụ lý, tức là làm sai quy trình thụ lý vụ án dân sự của hệ thống tòa án Việt Nam.
"Không thể kết luận rằng bản thân bà Dung xin thôi việc là kết thúc mà cần phải chuyển hồ sơ này cho Cơ quan Viện KSND Tối cao để điều tra làm rõ có hay không các hành vi nói trên. Hai hành vi này cần phải được xem xét một cách chặt chẽ để giải quyết rốt ráo, tránh tình trạng có thể lặp lại"- luật sư Tạ Quang Tòng nói.
Về trách nhiệm của những người liên quan, luật sư Tạ Quang Tòng cho hay có trách nhiệm của ngành tòa án và của người đứng đầu. Bởi vì, khi người dân nộp đơn khởi kiện về bất kỳ một vụ án gì, bộ phận văn phòng sau khi tiếp nhận hồ sơ đều phải trình lên lãnh đạo để xem xét. Sau đó, lãnh đạo mới chuyển lại cho thẩm phán chuyên môn ra quyết định thông báo tạm ứng án phí. Nếu lãnh đạo không phê duyệt thì không ra được thông báo tạm ứng án phí.
"Như vậy, cơ sở nào để phê duyệt? Có sự thiếu trách nhiệm, gây hậu quả nghiêm trọng trong việc này hay không?. Không thể nói bà Dung và các thư ký của bà Dung làm đơn xin thôi việc là hết trách nhiệm, phê bình kiểm điểm là xong. Chúng ta đừng biến một tiền lệ thành thông lệ"- luật sư Tòng nhấn mạnh.
Về việc xử lý kỷ luật khiển trách 2 lãnh đạo TAND huyện Đắk Song, luật sư Tòng cho rằng xử lý như vậy là xuê xoa, không nghiêm. Riêng việc điều động 2 cán bộ này đi nơi khác mà giữ nguyên cấp hàm thì xem như không kỷ luật mà chỉ là luân chuyển cán bộ.
Theo tìm hiểu của phóng viên, sau khi được lãnh đạo TAND tỉnh Đắk Nông đồng ý cho thôi việc, bà Dung đã làm các thủ tục để được hành nghề luật sư tại tỉnh Đắk Nông.
Trả lời báo chí về vụ việc, ông Ngô Đức Thọ - Chánh án TAND tỉnh Đắk Nông, cho biết với vai trò là người đứng đầu TAND 2 cấp, ông đã nghiêm túc kiểm điểm, nhận trách nhiệm trước Ban cán sự Đảng, lãnh đạo TAND Tối cao. Tập thể Ban cán sự Đảng TAND tỉnh cũng báo cáo kiểm điểm, qua đó nhanh chóng khắc phục những vi phạm, khuyết điểm.
Như Người Lao Động đã phản ánh, năm 2016, bà Dung lúc này là Thẩm phán sơ cấp TAND huyện Đắk Song đã làm giả 57 bộ hồ sơ, tự nộp tiền án phí, thụ lý rồi rút đơn khởi kiện. Theo lãnh đạo TAND tỉnh Đắk Nông, việc bà Dung làm giả hồ sơ nhằm mục đích làm giảm tỉ lệ án hủy xuống dưới 1,16% để được bổ nhiệm lại Thẩm phán.
Mới đây, UBKT Tỉnh ủy Đắk Nông đã quyết định thi hành kỷ luật khiển trách đối ông Phạm Văn Phiếm - Chánh án TAND huyện Tuy Đức (nguyên Chánh án TAND huyện Đắk Song), bà Nguyễn Thị Hải Âu - Phó Chánh án TAND huyện Krông Nô (nguyên Phó Chánh án TAND huyện Đắk Song) và ông Nguyễn Xuân Triệu - Thẩm phán TAND huyện Tuy Đức (nguyên Thẩm phán TAND huyện Đắk Song).
Sau khi công bố, nhiều người tỏ ra bất ngờ về việc thẩm phán đã tạo lập 57 hồ sơ khống ngay trong cơ quan thực thi pháp luật. Nhiều ý kiến cũng cho rằng việc xử lý kỷ luật các cán bộ lãnh đạo liên quan bằng hình thức khiển trách là quá nhẹ.