Ly hôn ở thung lũng Silicon, bang California, nơi tập trung giới siêu giàu Mỹ, là chuyện không dễ dàng khi liên quan đến việc phân chia khối tài sản kếch xù.
Theo luật của bang California, bất cứ tài sản gì bạn sở hữu trước khi kết hôn là tài sản của bạn.
Nhưng bất cứ tài sản nào có được hoặc thu nhập có được trong suốt cuộc hôn nhân được định là “tài sản chung” và khi ly hôn, luật định số tài sản này sẽ chia đều cho cả hai bên vợ và chồng.
Dù có hợp đồng tiền hôn nhân nhưng nhiều trường hợp ly hôn, người có tài sản ít hơn luôn muốn kiếm lời từ vợ/chồng giàu có của mình nên tìm cách kéo dài vụ ly hôn lên đến vài năm để người kia chịu chi.
Bởi một khi đơn ly hôn được đệ lên toà, tài sản của cả hai bên sẽ bị đóng băng cho đến khi đạt được thoả thuận. Điều này khiến người nắm trong tay khối tài sản lớn bực bội bởi họ sẽ không thể dùng tiền của mình.
Tỷ phú Musk và người vợ đầu tiên Justine thuở còn mặn nồng.
Nhưng đôi khi, ngay cả tỷ phú cũng muốn “thi gan” với đối phương khiến vụ ly hôn kéo dài đến vài năm, cả hai phía đều phải hứng chịu tổn thất.
Như vụ ly hôn của tỷ phú Elon Musk, đồng sáng lập và CEO của Tesla Motor -công ty chuyên thiết kế, sản xuất và phân phối ô tô điện - với người vợ đầu tiên Justine Musk, năm 2008, ngốn đến hơn 4 triệu USD tiền pháp lý.
Vì không đạt được thoả thuận nên vụ ly hôn của họ kéo dài tới 2 năm khiến chi phí cho luật sư, toà án lên đến con số hàng triệu USD.
“Ngoài tiền pháp lý hàng tháng 170.000 USD, phần còn lại của chi phí sinh hoạt hàng tháng của tôi nằm ở lương người trông trẻ và hỗ trợ sinh hoạt phí cho Justine.
Ngoài chi phí sinh hoạt và mọi chi phí liên quan đến con cái, mỗi tháng tôi gửi cho Justine 20.000 USD (sau thuế) tiền quần áo, giày dép, và mua sắm các vật dụng khác.
Tôi không bao giờ tính toán những khoản này, cũng chưa bao giờ gửi tiền muộn cho cô ấy”, tỷ phú Elon trần tình trong một bài báo chia sẻ về những uẩn khúc trong vụ ly hôn của mình.
Với những triệu phú hay tỷ phú, lệ phí pháp lý cho vụ ly hôn của họ tốn trung bình từ 50.000 USD đến 200.000 USD (khoảng 1,1 tỷ đồng đến 4,5 tỷ đồng).
So với việc soạn thảo một hợp đồng tiền hôn nhân và cập nhật hợp đồng này theo năm tháng cùng với sự thay đổi về tài chính trong suốt cuộc hôn nhân này thì cái giá phải trả khi tranh chấp ly hôn tốn kém hơn nhiều.
“Làm hợp đồng tiền hôn nhân nghe có vẻ thực dụng nhưng với người giàu thì đó là cách tránh tranh chấp khi hôn nhân tan vỡ.
Đặc biệt khi sở hữu tài sản lên đến cả triệu đô, tỷ đô, chắc chắn bạn sẽ không muốn chia cho người kia một nửa con số này khi ly hôn", Pascoe, một luật sư ở California chia sẻ.