Vũ khí cổ lỗ nhưng "đáng sợ" nhất hành tinh là đây!

Nhật Minh |

Đó là thứ vũ khí mà ngay cả những quốc gia ven biển nghèo nhất cũng có thể có được.

Thường bị lu mờ bởi tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình chống tàu, song thủy lôi là một trong những vũ khí "cổ lỗ nhất", "rẻ tiền nhất" nhưng "nguy hiểm bậc nhất" mà Hải quân Mỹ phải đối mặt trong chiến lược chống tiếp cận/chống xâm nhập (A2/AD).

Theo tạp chí National Interest, kể từ khi Thế chiến II kết thúc, số lượng tàu chiến của Hải quân Mỹ bị thủy lôi làm hư hại hoặc phá hủy đã cao hơn mức thiệt hại do bất cứ vũ khí nào khác gây ra.

Trong khi chỉ những cường quốc như Nga, Trung Quốc mới có đủ tiềm lực tài chính để trang bị các loại vũ khí A2/AD tiên tiến như tên lửa chống tàu siêu thanh thì thủy lôi lại là thứ mà ngay cả những quốc gia ven biển nghèo nhất cũng có thể có được.

Vũ khí cổ lỗ nhưng đáng sợ nhất hành tinh là đây! - Ảnh 1.

Tàu USS Princeton (CG-59) bị hư hại do thủy lôi.

"Thủy lôi, một trong những loại vũ khí hải quân cổ lỗ nhất, thường là thứ rẻ nhất và sẵn có nhất trong số các loại vũ khí chống tiếp cận/chống xâm nhập đối với nhiều quốc gia" - Đại tá Hải quân Mỹ Jerry Hendrix, Giám đốc Chương trình Đánh giá và Chiến lược Quốc phòng tại Trung tâm An ninh Mỹ mới (CNAS) nhận định.

"Ngay cả nếu không có đủ ngân sách để mua các loại tên lửa hay máy bay tiên tiến thì hầu hết các quốc gia hàng hải vẫn dư sức mua thủy lôi rải ngoài khơi để ngăn chặn kẻ địch tiếp cận gần bờ biển của họ" - ông Hendrix nói.

Không chỉ rẻ và nguy hiểm, thủy lôi còn rất khó bị phát hiện, ngay cả với những phương tiện hiện đại như tuần dương hạm tên lửa lớp Ticonderoga - USS Princeton (CG-59) trong Chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất năm 1991.

Vũ khí cổ lỗ nhưng đáng sợ nhất hành tinh là đây! - Ảnh 2.

Chiếc tàu Aegis trị giá hàng tỷ USD đã bị hư hại nghiêm trọng bởi cặp thủy lôi MN103 Manta (do Italia chế tạo) chỉ đáng giá vài nghìn USD.

Trước đó, một quả thủy lôi từ thời Thế chiến I đã suýt đánh chìm khinh hạm mang tên lửa dẫn đường USS Samuel B. Roberts vào năm 1988 trong chiến tranh Iran-Iraq.

Tuy nhiên, theo tạp chí Popular Science (PopSci), vì nhiều nguyên nhân khác nhau, mối đe dọa từ phía thủy lôi đã bị Mỹ xem nhẹ hơn các loại tên lửa diệt tàu sân bay, ví dụ như tên lửa DF-21D của Trung Quốc.

Hải quân Mỹ đã nhanh chóng quên đi những bài học về thủy lôi trong Thế chiến II và cắt giảm lực lượng quét thủy lôi một cách nhanh chóng. 5 năm sau Thế chiến II (tức năm 1950), họ đã phải hối tiếc khi lực lượng đổ bộ gồm 250 tàu của Liên Hiệp Quốc bị chặn đứng ngoài khơi bờ biển Wonsan do thủy lôi của Triều Tiên.

Nói về sự kiện này, Đô đốc Allen E. "Hoke" Smith, chỉ huy lực lượng khi đó cho hay: "Chúng tôi đã bị mất quyền kiểm soát đối với các vùng biển vào tay một quốc gia không có hải quân, sử dụng vũ khí duy nhất từ thời tiền Thế chiến I".

Việc Triều Tiên sử dụng các loại thủy lôi năm 1950 cũng là một ví dụ điển hình tại sao thứ vũ khí này lại trở nên quan trọng trong chiến tranh hải quân.

Để đối phó với mối đe dọa từ thủy lôi mà không gây nguy hiểm trực tiếp tới tính mạng thủy thủ, Mỹ đang hướng tới xu hướng phát triển các hệ thống không người lái.

Vũ khí cổ lỗ nhưng đáng sợ nhất hành tinh là đây! - Ảnh 3.

Xuồng không người lái ARCIMS.

Gần đây, tập đoàn Northrop Grumman tuyên bố sẽ tham gia cuộc diễn tập "Unmanned Warrior" (Tạm dịch: Chiến binh tự hành) của Hải quân Hoàng gia Anh. Trong đó, "ông trùm quốc phòng" Mỹ sẽ giới thiệu hệ thống săn thủy lôi kéo dây AQS-24B, được triển khai từ xuồng tự hành ARCIMS của tập đoàn Atlas Elektronik UK.

Hiện Hải quân Mỹ cũng đang nghiên cứu triển khai hệ thống tác chiến chống thủy lôi trên tàu tác chiến cận bờ (LCS), tuy nhiên, theo ông Bryan McGrath, Giám đốc quản lý của Tập đoàn tư vấn hải quân FerryBridge, Hải quân Mỹ cần chú trọng hơn nữa và đưa tiêu chí "tác chiến chống thủy lôi" trở thành trọng tâm trong thiết kế hạm đội tương lai.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại