Ngày khủng khiếp
Đó là ngày 22/9/1992, “lúc trời còn chạng vạng”, bà kể: “Trong lúc tôi cùng chồng đang làm việc trên đồng ruộng của mình tại làng Bhateri (cách thủ đô Jaipur khoảng 50km) thì bọn chúng kéo đến.
Bọn chúng có 5 tên, mang theo gậy và đánh chồng tôi rất dã man".
"Khi tôi quỳ xuống van xin họ tha cho chồng mình, thì 2 tên vật chồng tôi ngã xuống đất, 3 tên còn lại quay sang luân phiên hãm hiếp tôi.
Có lẽ bọn chúng thù ghét tôi vì tôi đã cố ngăn cản đám cưới của một cô gái Gujjar 9 tháng tuổi vài tháng trước đó”.
Hàng ngàn người xuống đường biểu tình đòi công lý cho bà Devi.
Devi đã kiện những kẻ “trời đánh” này tội đánh người, cưỡng hiếp ở nơi làm việc.
Kết quả là con số 0: dù 2 trong số 5 tên tấn công bà đã chết, những tên còn lại vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật. Oan ức của bà chỉ được nhắc một lần duy nhất tại tòa án trong suốt hơn 20 năm qua. Dù vậy, bà không bao giờ từ bỏ cuộc chiến vì công lý.
Lấy chồng từ thuở lên 5
Từ năm 1985, bà Bhanwari Devi đã làm việc với tư cách là một người bạn của Chương trình Phát triển phụ nữ (WDP) của chính phủ. Giáo sư Renuka Pamecha cho biết đây là chương trình vì nhân quyền của phụ nữ Ấn Độ.
Công việc của bà Devi là đi đến các hộ gia đình truyền đạt cho các bà nội trợ những điểm tốt về vấn đề vệ sinh cá nhân, các bệnh lây truyền qua đường tình dục, kế hoạch hóa gia đình, cũng như lợi ích của việc cho con cái đến trường, những nguy hiểm và tội ác của việc nạo phá thai; những vi phạm đạo đức cũng như vi phạm pháp luật khi buộc trẻ vị thành niên xây dựng gia đình.
Mỗi năm, ở Rajasthan có hàng ngàn trẻ nhỏ, thậm chí cả trẻ chỉ mới vài tháng tuổi, được cha mẹ chúng dựng vợ gả chồng.
Đây là tục lệ lâu đời của người dân nơi đây. Điều này thật khó thay đổi. Bản thân bà Devi cũng từng là cô dâu vị thành niên. Bà kể hồi cưới chồng, bà mới có 5 hay 6 tuổi, còn chồng bà khoảng 8-9 tuổi.
Bà Devi cho rằng chiến dịch chống lại hôn nhân trẻ em mà bà đang theo đuổi không nhằm thách thức hay chống lại bất cứ điều gì, chỉ đơn giản là công việc mà bà phải làm và bà không có sự lựa chọn nào khác.
Bà Devi đã phải đối mặt với những khó khăn cũng như phản ứng của không ít người khi bà can thiệp vào nhóm người Gujjars.
Cảnh sát biết những đám cưới trẻ em là vi phạm pháp luật và cần phải ngăn cấm.
Tuy nhiên ở cái nơi mà “phép vua thua lệ làng”, bà Devi cho biết: “Tôi thấy một cảnh sát khi được cử xuống ngăn đám cưới của trẻ vị thành niên đã ngồi xuống ăn kẹo chung vui với gia chủ ngay”.
Bẻ cong công lý
Trong xã hội bảo thủ của Ấn Độ, ngay cả bây giờ, các nạn nhân của vụ cưỡng hiếp thường xấu hổ và sợ bị những người xung quanh kỳ thị nên họ chọn cách im lặng và không dám kiện tụng.
Trường hợp của bà Devi là một điển hình đáng biểu dương.
Bà đã dám công khai việc mình bị xâm phạm tình dục mặc dù bị tòa cáo buộc nói dối, cảnh sát thì chế giễu, không nghiêm túc điều tra, những kẻ tấn công bà cũng không thừa nhận tội hãm hiếp mà chỉ nhận có cãi vã với bà.
Sau khi các tờ báo địa phương đưa tin về vụ của Devi và nhờ các cuộc biểu tình mạnh mẽ của các nhà hoạt động nữ quyền, trường hợp của bà đã được chuyển đến Cục Điều tra Trung ương (CBI), Cảnh sát liên bang Ấn Độ.
Các bị cáo còn lại đã bị bắt sau hơn một năm kể từ khi xảy ra vụ án, và bị buộc tội quấy rối, tấn công, âm mưu và hãm hiếp tập thể.
Theo Thẩm phán Tòa án Tối cao Rajasthan: “Tôi tin rằng Bhanwari Devi đã bị hãm hiếp để trả thù vì đã cố gắng chấm dứt cuộc hôn nhân của Ramkaran, con gái một trong các bị cáo”.
Tuy nhiên, mọi chuyện trở nên tồi tệ hơn với Devi vì trong các lần xét xử sau đó, các thẩm phán bị thay đổi liên tục tới 5 lần và các bị cáo cũng được xét xử với tội danh nhẹ hơn: tấn công người khác. Tất cả chỉ bị phạt tù 9 tháng.
Bharat, một trong những người hoạt động vì nhân quyền phụ nữ, đang cố gắng đi tìm công lý cho Devi nói: “Đó là một sự phán xét không rõ ràng.
Họ đã đưa ra những lý do quá vô lý như thế này: Trưởng thôn không thể hãm hiếp; những người đàn ông 60-70 tuổi không thể hãm hiếp; một thành viên của giai cấp cao hơn không thể hãm hiếp phụ nữ giai cấp thấp hơn vì lý do tinh khiết...”.
Bản án đã gây ra làn sóng phẫn nộ lớn ở Ấn Độ và toàn cầu. Các cuộc biểu tình đòi công lý tại Jaipur diễn ra thường xuyên với hàng ngàn người tham gia.
Nghị sĩ đảng Quốc đại Rajasthan Girija Vyas gọi quyết định của bồi thẩm đoàn là “có động cơ chính trị”.
Còn Mohini Giri, người đứng đầu Ủy ban Quốc gia về Phụ nữ cho rằng lệnh của tòa án "đã bỏ qua các nguyên tắc công lý" và viết thư yêu cầu Tòa án Tối cao can thiệp.
Xúc tác thay đổi luật
Mặc dù vụ án được đưa lên tòa án cấp cao Rajasthan xét xử lại, nhưng đáng tiếc chỉ có một cuộc điều trần được tổ chức trong suốt hơn 20 năm qua.
Tiến sĩ Pal nói: “Devi là một phụ nữ rất dũng cảm. Hai vợ chồng bà đã bị những người dân cùng làng “tẩy chay” không bán sữa, không mua sản phẩm gốm do vợ chồng bà làm ra.
Thậm chí vợ chồng bà còn bị chính người thân trong gia đình xa lánh”.
Giáo sư Pamecha khẳng định, thật khó để Devi đòi được công lý, nhưng bà ấy là chất xúc tác và là nhân tố chính khiến phụ nữ Ấn Độ được bảo vệ hợp pháp trước hành động quấy rối tình dục ở nơi làm việc.
Những năm qua, bà Devi đã giành được nhiều giải thưởng vì sự dũng cảm đặc biệt của mình. Mới đây, bà được Ủy ban Phụ nữ Delhi công nhận điều này vào đúng ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3.
Vượt lên trên tất cả, Devi vẫn sống ở ngôi làng Bhateri, vẫn tiếp tục đi giúp đỡ những người phụ nữ khác, vẫn hy vọng một tương lai rạng ngời cho những người phụ nữ bất hạnh như bà. Khi được hỏi: “Bà có cảm thấy sợ không?”, vợ chồng bà cho biết: “Chẳng có gì đáng sợ. Họ cũng chỉ có thể giết chúng tôi một lần”.