Tại phiên tòa xét xử vụ sự cố y khoa làm 8 người chết ở Bệnh viện đa khoa (BVĐK) tỉnh Hòa Bình, sáng nay, trả lời đại diện Viện Kiểm sát (VKS), bị cáo Bùi Mạnh Quốc - Giám đốc Công ty TNHH xử lý nước Trâm Anh (Công ty Trâm Anh) cho biết, Công ty được thành lập trước khi xảy ra sự cố y khoa (29/5/2017) đúng 6 tháng với ngành nghề kinh doanh chính là… xử lý nước thải.
Công ty Trâm Anh không trực tiếp ký hợp đồng thực hiện sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống lọc nước RO với BVĐK tỉnh Hòa Bình mà thỏa thuận với Công ty Thiên Sơn, nơi trước đây Quốc là nhân viên. Có thể hiểu, BVĐK tỉnh Hòa Bình là Bên A, Thiên Sơn là Bên B, còn Trâm Anh là Bên B’.
Bùi Mạnh Quốc cho biết đây là hợp đồng đầu tiên Công ty ký với phía Thiên Sơn về sửa chữa thiết bị y tế tại BVĐK tỉnh Hòa Bình với giá trị hợp đồng hơn 49 triệu đồng.
Trước khi thực hiện việc sửa chữa, bị cáo có gửi báo giá cho BVĐK tỉnh Hòa Bình (mượn danh nghĩa Công ty Thiên Sơn) và khuyến cáo nên thay 4 màng lọc RO vì các màng này được sử dụng từ năm 2013-2014. Tuy nhiên, thực tế đến khi thực hiện ngày 28/5/2017, Quốc chỉ thay 2 màng lọc RO và sục rửa, vệ sinh 2 màng lọc còn lại.
Sau khi xảy ra sự cố y khoa làm 8 người chết, việc ký hợp đồng giữa Công ty Trâm Anh và BVĐK tỉnh Hòa Bình mới được gấp rút thực hiện ngay tại Bệnh viện nhằm hợp thức hóa các thủ tục.
“Thời điểm ký hợp đồng bị cáo không được minh mẫn lắm, anh Sơn (bị cáo Trần Văn Sơn – nhân viên Phòng Vật tư - Thiết bị BVĐK tỉnh Hòa Bình) gọi điện bảo cứ ký để hoàn thành thủ tục thôi nên bị cáo ký. Trước đó bị cáo chưa làm hợp đồng lần nào mà chỉ thỏa thuận trên giấy báo giá”, Bùi Mạnh Quốc trả lời đại diện Viện Kiểm sát.
Bị cáo Bùi Mạnh Quốc (áo phông xanh) và bị cáo Trần Văn Sơn.
Quốc trình bày khi đến Bệnh viện để thực hiện công việc, các nhân viên y tế đều nghĩ Quốc là nhân viên của Công ty Thiên Sơn, bản thân Quốc cũng không nói cho ai biết việc mình là người của Công ty Trâm Anh.
Đại diện VKS hỏi về bản vẽ trên máy tính sơ đồ hệ thống RO được lưu trong hồ sơ vụ án có phải là do bị cáo Quốc vẽ hay không. Quốc trả lời không biết về bản vẽ này. "Bị cáo chỉ vẽ bằng tay cho cơ quan điều tra", Bùi Mạnh Quốc thành khẩn.
Khi tiến hành sục rửa các vỏ màng lọc RO, Quốc sử dụng hỗn hợp Axit Flohydric (HF) và Axit Clohydric (HCL), đây là những loại hóa chất không có trong Danh mục hóa chất được dùng trong y tế. Ngoài ra còn sử dụng dung dịch chất tẩy javen. Số hóa chất này được bị cáo mua từ Công ty TNHH hóa chất Việt Hoa.
Ngày 28/5, sau khi sửa chữa xong, bị cáo gọi điện cho Sơn: “Anh bảo dưỡng thay thế tất cả xong rồi, chú khóa cửa cho anh, sáng mai anh vào lấy mẫu nước xét nghiệm”.
khẳng định đây là bàn giao sửa chữa chứ chưa phải là nghiệm thu, việc nghiệm thu phải là Công ty Thiên Sơn thực hiện. Và để giảm nhẹ trách nhiệm sau sự cố xảy ra, ngay trong buổi trưa ngày 29/5, Bùi Mạnh Quốc đã ký biên bản bàn giao do Trần Văn Sơn đưa.
“Anh Sơn đưa cho bị cáo và bảo đây chỉ là hoàn thành nốt các thủ tục thôi, không có vấn đề gì cả. Lúc đó đã có sự cố chết người”, Bùi Mạnh Quốc khai.
Trong buổi sáng ngày 29/5, Quốc cũng có mặt tại đơn nguyên Thận nhân tạo nhưng không có một lời cảnh báo nào với các y bác sỹ ở đây về thực trạng chưa đủ điều kiện để vận hành thiết bị thực hiện chạy thận cho bệnh nhân.
Bao biện cho việc này, Quốc nói: “Trước đấy bị cáo đã cảnh báo rồi và ngày hôm đó thấy máy đã chạy rồi nên thôi không cảnh báo. Về sau khi cơ quan điều tra công bố nguyên nhân thì bị cáo mới biết do độc tố florour (chất HF)”.
“Bị cáo nhận thức do sơ suất của bị cáo gây nên hậu quả, bị cáo rất có lỗi. Lỗi của bị cáo đến đâu bị cáo xin nhận. Bị cáo có lỗi là không cảnh báo khi chưa lấy mẫu nước. Nguyên nhân chết là do chính hóa chất bị cáo dùng”.
Đại diện Viện Kiểm sát tại phiên tòa. |
Trong khi đó, trả lời đại diện VKS, bị cáo Trần Văn Sơn nói không biết việc Quốc thành lập công ty riêng. Ngay sau sự cố xảy ra, dù chưa đi lấy mẫu nước đi xét nghiệm nhưng bị cáo Sơn lại xác nhận việc sửa chữa đã xong và đã có kết quả xét nghiệm để đủ điều kiện thanh lý hợp đồng.
“Sáng 29/5, khi giao ban, bị cáo đã báo cáo ông Trần Văn Thắng (Trưởng phòng Vật tư -Thiết bị) và ông Thắng có yêu cầu hoàn thiện nốt thủ tục... Ngoài ra còn có biên bản bàn giao với khoa được lập sau sự cố và bị cáo đưa cho điều dưỡng Nguyễn Thị Thu Hằng”, Trần Văn Sơn khai.
Sau sự cố, bị cáo khóa cửa phòng lọc nước vì nghĩ nguyên nhân có thể do hệ thống lọc nước, đồng thời phối hợp với điều dưỡng Hằng đi lấy các mẫu nước.
“Sau khi xảy ra sự cố bị cáo có báo cáo lại với ông Thắng. Bị cáo thực hiện sục rửa hệ thống RO số 2, sau đó Phó Giám đốc Bệnh viện Hoàng Đình Khiếu có chỉ đạo sục rửa lại toàn hệ thống”.
Việc lấy mẫu nước được Sơn và điều dưỡng Hằng bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh và có niêm phong, sau đó bàn giao lại cho Cơ quan Cảnh sát điều tra ngay trong ngày.
Măc dù bị VKS truy tố với tội danh “Vô ý làm chết người”, nhưng Trần Văn Sơn chỉ xin nhận lỗi Thiếu trách nhiệm.