Đối với nhân viên cứu hộ Thái Lan Mana Srivate, thực hiện hồi sức đã là một phần công việc của anh ấy trong 26 năm. Cách đây một ngày, mọi thứ diễn ra hơi khác một chút - anh ấy đã hồi sức tim phổi thành công một chú voi con đầu tiên.
Chú voi con Ấn Độ (Elephas maximus indicus) đã bị một chiếc xe máy đâm khi người điều khiển xe cố băng qua đường ở tỉnh Chanthaburi, miền đông Thái Lan vào khoảng 21 giờ ngày 22/12/2020.
"Tử thần" không có cơ may
Ngay lập tức, người dân có mặt tại đó đã gọi đội cứu hộ. Trong số đó có anh Mana Srivate.
Sử dụng kiến thức của mình về hồi sức tim phổi (CPR), Mana có thể tìm ra vị trí tim của con voi dựa trên một đoạn clip mà anh đã xem trên mạng. Một video lan truyền ấn tượng cho thấy anh thực hiện động tác ép bằng hai tay lên chú voi con khi nó nằm nghiêng.
Anh Mana Srivate nói với Reuters: "Bản năng lúc đó thôi thúc tôi cứu chú voi con bằng mọi giá. Tôi thậm chí còn nghe thấy cả tiếng rống gọi của voi mẹ và đàn voi chị em của nó".
Bất chấp nguy hiểm có thể xảy ra từ đồng loại của voi con, Mana vẫn kiên trì với những nỗ lực dũng cảm của mình và sau khoảng 10 phút, chú voi con đã có thể tự đứng dậy với một chút trợ giúp. May mắn thêm nữa, người điều khiển xe máy được sơ cứu gần đó cũng không bị thương nặng.
Mana nói với Reuters: "Khi chú voi con bắt đầu cử động, tôi gần như đã khóc vì vui sướng. Tất cả những người chứng kiến sự việc đêm hôm đó cũng không giấu nổi niềm vui và sự xúc động".
Xem video:
Voi con sống sót kỳ diệu sau khi được nhân viên cứu hộ CPR. Nguồn: Reuters
Cuối cùng, chú voi con sống sót sau thử thách. Câu chuyện xúc động và bất ngờ này đang được cộng đồng mạng quan tâm và được nhận định là một trong những điểm sáng trong thời điểm năm cũ 2020 đầy đau thương, mất mát sắp qua đi.
Sau khi được điều trị thêm tại một địa điểm khác, Reuters đưa tin chú voi con đã được mang trở về chốn cũ. Nó chập chững đi và tiếng rống gọi đàn của nó đã được đáp lại. Voi con nhanh chóng đoàn tụ với đàn của nó ngay trong đêm.
Ảnh minh họa về chú voi con. Nguồn: Sarah Kilian/Unsplash
Bác sĩ thú y Jaclyn Gatt, Giám đốc Phòng khám Chim và Động vật kỳ lạ ở Úc, nói với ScienceAlert: "Thật khó để biết liệu con voi con có thực sự ngừng thở hay không trước khi người nhân viên cứu hộ tiến hành ép ngực nhưng nó có vẻ bị sốc. Chấn thương khiến bạn ngã quỵ như vậy có thể gây chảy máu vào ngực hoặc bụng, và mất máu đột ngột bên trong sẽ làm giảm huyết áp và có khả năng làm tim đập chậm hoặc ngừng đập."
Cũng như trong y học cấp cứu cho người, Hồi sức tim phổi CPR là sự kết hợp của ấn ngực và hô hấp nhân tạo để phục hồi lượng máu giàu oxy tới não bệnh nhân. CPR là một thực hành phổ biến trong thế giới thú y.
"Tôi đã thực hiện CPR trên rất nhiều loài: Chó, mèo, thỏ, chồn, chim, chuột, rùa, thằn lằn và thậm chí cả cá. CPR là một quá trình giúp tim tiếp tục 'đập' bằng cách ép ngực, hít thở không khí và cuối cùng là giữ cho não sống vì nó sẽ chết nếu không có oxy. Nếu tim của người hoặc động vật ngừng đập hoặc họ không thể thở, hô hấp nhân tạo có thể giúp cứu sống họ cho đến khi mọi thứ tự bắt đầu trở lại hoặc có sự can thiệp của y tế (thuốc và máy móc) sau đó" - Bác sĩ thú y Jaclyn Gatt giải thích.
Nhưng hồi sinh một con voi không phải là điều mà những người được huấn luyện về CPR thường thấy mình làm.
Gatt giải thích rằng sự khác biệt chính giữa thực hiện CPR cho động vật và con người bao gồm vị trí thực hiện nén và độ khó ấn. Ở động vật, cơ hội phục hồi thường phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra ngừng tim - những động vật bị bệnh trước khi bị ngừng đập có thể khó hồi sinh hơn nhiều so với những động vật bị chấn thương gần đây.
Bài viết sử dụng nguồn: Sciencealert
* Đọc bài cùng tác giả Trang Ly tại đây.