Võ Hoàng Bửu: Người hùng, Vua đá 11m... giờ sao lại thế này?

Khánh Sơn |

Từng được xem là một trong những cầu thủ xuất sắc nhất của Thế hệ vàng nhưng bây giờ, Võ Hoàng Bửu không còn được nhắc tới và cũng chẳng được làm công việc liên quan đến túc cầu.

Lời tòa soạn: Nhằm tri ân và vinh danh những huyền thoại của thể thao Việt Nam, chúng tôi xin gửi tới độc giả loạt bài viết PHÍA SAU ÁNH HÀO QUANG. Đây sẽ là những bài viết đầy đủ nhất, xúc động nhất về những sự nghiệp, những cảnh đời sau khi vươn tới vinh quang của các VĐV tài năng của dải đất chữ S.

Hồi ký của ông Vua phạt đền

Nói đến Võ Hoàng Bửu, ngay lập tức người ta nhớ đến anh như một trong những tiền vệ phòng ngự hay nhất của bóng đá Việt Nam. Đặc biệt, Hoàng Bửu được xem là ông Vua đá phạt đền của ĐT Việt Nam ở những năm 90.

Theo thống kê, Bửu "voi" đã thành công tuyệt đối trong 7 lần nhận trọng trách đá 11m tại các kỳ SEA Games, Tiger Cup và các trận giao hữu. Trong số ấy, cựu cầu thủ của Cảng Sài Gòn từng ghi bàn vào lưới CLB Juventus, đội vừa giành chức vô địch Cúp C1 châu Âu năm 1996.

Cũng năm này, Võ Hoàng Bửu đi vào lịch sử của bóng đá Việt Nam khi ghi cả 5 bàn thắng trên chấm phạt đền tại Tiger Cup 1996, giải đấu mà ĐT Việt Nam đã giành HCĐ. Cụ thể, tiền vệ phòng ngự này đã thực hiện cú đá 11m thành công ở phút 73 vào lưới Malaysia, giúp đội bóng của HLV người Đức Karl Heinz Weigang giành hạng Ba chung cuộc.

Năm 1996 cũng được xem là năm "kim cương" của Võ Hoàng Bửu khi anh được bầu chọn danh hiệu Quả Bóng Vàng nhờ vượt qua hai đồng nghiệp xuất sắc khác là Trần Công Minh và Nguyễn Hồng Sơn.

Võ Hoàng Bửu: Người hùng, Vua đá 11m... giờ sao lại thế này? - Ảnh 2.

Không chỉ là một tiền vệ phòng ngự xuất chúng, Võ Hoàng Bửu còn là Vua đá phạt đền không ngai.

Có thể nói, sự nghiệp sân cỏ của Võ Hoàng Bửu vô cùng huy hoàng. Nếu ở ĐT Việt Nam anh giành tấm HCB SEA Games 18, HCĐ SEA Games 19, HCĐ Tiger Cup 1996 thì ở cấp CLB, Bửu "voi" cũng khiến bất kỳ cầu thủ nào thèm khát khi sở hữu một bộ sưu tập lẫy lừng cùng đội bóng huyền thoại Cảng Sài Gòn.

Đó là vô địch quốc gia các năm 1993 , 1994, 1997, 2001, 2002 và vô địch Cúp quốc gia năm 1992 và 2000.

Cho đến 2002, Võ Hoàng Bửu phải giã từ sự nghiệp sân cỏ vì tuổi tác và chấn thương. Người ta đã nói đến cái tên Bửu "voi" và xem anh như một "biểu tượng" của Cảng Sài Gòn.

Người ta cũng kỳ vọng, sau cái buổi chiều đưa tiễn chính đội bóng huyền thoại của Sài thành xuống hạng, thì tiền vệ này sẽ bước sang một trang mới trong sự nghiệp huấn luyện của mình. Tiếc thay, điều còn lại là hàng tá câu chuyện buồn về Vua phạt đền không ngai Võ Hoàng Bửu

Bửu "voi" lên voi xuống… chó

Nếu sự nghiệp sân cỏ của Võ Hoàng Bửu huy hoàng bao nhiêu thì sự nghiệp cầm quân của anh lại trắc trở bấy nhiêu. Sau khi giải nghệ, Bửu được điều chuyển về làm công tác đào tạo trẻ của Cảng Sài Gòn. Với tư chất của ngôi sao một thời, Bửu "voi" được kỳ vọng sẽ đào tạo cho Cảng những sao mai tương lai.

Sau ánh hào quang của một danh thủ, ít người biết rằng anh đã phải nuốt nước mắt vào trong khi gia đình ly tán sau 8 năm hạnh phúc.

Có lần, ngồi với chúng tôi bên cái quán cóc ở đường Võ Văn Tần, quận 3, nhắc đến chuyện vợ con Bửu lại lặng người đi và dường như anh chẳng buồn nói. Người ta nói, Võ Hoàng Bữu có cái đầu lạnh, có bản lĩnh sắt đá, ấy mà lại tan chảy trước đường tình lận đận.

Sau lần ấy, mỗi khi gặp lại, chúng tôi cũng chẳng dám hỏi vì sợ phật lòng. Và sợ cái tính của Bửu hay cạu, nên nếu có, chỉ nói chuyện bóng đá và chuyện trên trời dưới đất để giết thời gian.

Võ Hoàng Bửu: Người hùng, Vua đá 11m... giờ sao lại thế này? - Ảnh 3.

Cuộc sống riêng đầy nước mắt, Võ Hoàng Bửu chỉ biết lấy bóng đá làm vui.

Võ Hoàng Bửu không khóc, anh kéo mình vào công việc và xem bóng đá như người tình để quên đi chuyện nhân tình thế thái. Rồi cơ hội đã đến, Bửu được trao cho chiếc ghế HLV trưởng ở Thép Miền Nam – Cảng Sài Gòn (trước đây là Cảng Sài Gòn).

Thực ra, để gọi là trao chưa hẳn đã đúng vì ở thời điểm ấy, người của Cảng muốn "né" chiếc ghế "có ma" này. Nguyên do là đội bóng đá đâu thua đó, phía sau lại có nhiều phe phái công kích nhau. Vậy nên, chuyện Bửu bị "dí" ghế ai cũng biết. Để rồi, đến giữa mùa, cựu tiền vệ này phải bỏ của chạy lấy người.

Mùa sau đó, Bửu "voi" về với đội bóng vùng biên Tây Ninh. Cứ ngỡ, đội bóng hạng Nhất hợp với ông thầy trẻ như Bửu, nhưng rốt cuộc chuyện tình ấy chẳng đi đến đâu. Trở lại với công việc gõ đầu trẻ ở Thép Miền Nam – Cảng Sài Gòn, nói thật, Bửu chẳng vui vẻ gì vì như người ta hay nói về anh là "lên voi xuống chó".

Vài năm sau, thêm một cơ hội lại đến, Võ Hoàng Bửu được tiến cử làm HLV U19 Việt Nam, lứa Văn Quyết, Hà Minh Tuấn, Nguyễn Hải Huy… nhưng anh không để lại nhiều dấu ấn. Một thời gian dài, Bửu cùng với mấy người bạn làm bóng đá cộng đồng trước khi đầu quân cho lò PVF, nhưng rồi phải sớm xách va li rời Thành Long.

Võ Hoàng Bửu: Người hùng, Vua đá 11m... giờ sao lại thế này? - Ảnh 4.

Võ Hoàng Bửu đang cô đơn khi không còn "đồng đội".

Cầu thủ Vàng đang… cô độc

Những cầu thủ vàng thuộc Thế hệ vàng của bóng đá Việt Nam đã và đang có những cống hiến to lớn trong công tác huấn luyện, đào tạo trẻ. Họ được xem là những HLV thế hệ "7x" đầy tài năng đang thay thế bậc tiền bối lèo lái các ĐTQG và các CLB.

Nguyễn Hữu Thắng đã và đang ít nhiều khẳng định được bản lĩnh của mình trên vai trò HLV trưởng của ĐT Việt Nam. Cùng thế hệ, Lê Huỳnh Đức đã đưa SHB.ĐN giành 2 chức vô địch V-League.

Nguyễn Văn Sỹ từng dẫn dắt ĐT Việt Nam, các CLB Ninh Bình, Cần Thơ và bây giờ là Nam Định; Trương Việt Hoàng đang dẫn dắt Hải Phòng đua vô địch. Trần Minh Chiến đang đảm nhiệm công tác đào tạo trẻ cho Bình Dương; Thủ môn Nguyễn Văn Cường là trợ lý thủ môn của Long An.

Trần Công Minh nhiều năm làm trợ lý cho các HLV ở ĐTQG, rồi làm HLV trưởng cho Long An, Đồng Tháp; Nguyễn Mạnh Cường, Nguyễn Hữu Đang đang có công việc ổn định và thu nhập mơ ước tại lò PVF. Những con người khác như Chí Bảo, Hồng Sơn đều có công việc ổn định và gia đình yên ấm…

Võ Hoàng Bửu: Người hùng, Vua đá 11m... giờ sao lại thế này? - Ảnh 5.

Giờ đây, Võ Hoàng Bửu cũng mất nốt cả người tình bóng đá...

Khi nhìn những đồng đội, đồng nghiệp cùng Thế hệ vàng đang thành công và thành danh, hẳn Võ Hoàng Bửu chạnh lòng lắm lắm! Cũng đúng thôi, Bửu từng nói rằng, bóng đá là "người tình" và không gì có thể chia ly cuộc đời anh khỏi "người tình" này được.

Ấy vậy mà giờ đây, sự thật đang quá phũ phàng bởi anh không còn được giới bóng đá nhắc đến tên mình. Thật buồn và đau biết mấy khi những cựu danh thủ của Cảng Sài Gòn ngày xưa hội họp, ôn cố tri ân, chẳng ai thấy hình bóng và chẳng ai mảy may nhắc đến cái tên Võ Hoàng Bửu.

Thậm chí, có lần chúng tôi hỏi thăm thì tất cả đều nói rất thẳng thừng: "Đừng bao giờ nhắc đến ông ấy ở đây nữa!".

Võ Hoàng Bửu bây giờ đang làm gì và ở đâu cũng chẳng mấy ai biết? Thật lạ lùng cho một danh thủ vang bóng với những ngón nghề đá phạt đền "độc nhất vô nhị" của bóng đá Việt Nam.

Và thật lạ lùng, trong khi người ta tung hô những đồng đội của anh ngày nào lên đến mây xanh thì đã từ lâu, lâu lắm rồi, Võ Hoàng Bửu không có bất kỳ một hình ảnh, con chữ nào trên các mặt báo, nhà đài.

Không có nhiều đồng đội chơi chung và cũng chẳng còn được gắn bó với đời sống bóng đá, vốn như giấc mơ sau khi treo giày, Võ Hoàng Bửu đang trở thành một kẻ nổi tiếng cô độc trong làng bóng.

Người ta đã nói về những nguyên do và cả những câu chuyện tình ái. Thực hư thế nào thì không thể bàn luận. Chỉ biết rằng, người hùng một thời của bóng đá Việt Nam đang rơi vào bi kịch của một người muốn tận hiến nhưng lại bị sống trong hoài nghi và cả những ánh mắt dè bửu của người đời.

Thôi thì "tiên trách kỷ, hậu trách nhân" Võ Hoàng Bửu nhé!

Bản lý lịch hoành tráng

HLV Võ Hoàng Bửu sinh năm 1968 tại TP.HCM, từng hoác áo Cảng Sài Gòn từ 1988 đến 2005 và Thép Miền Nam từ 2005 đến 2007, khoác áo ĐTQG 1993 đến năm 2000.

Cựu danh thủ này từng cùng Cảng Sài Gòn giành vô địch quốc gia các năm 1993 , 1994, 1997; cúp quốc gia năm 1992 và 2000.

Trong sự nghiệp của mình, Hoàng Bửu từng giành HCB SEA Games 18 năm 1995. HCĐ SEA Games 19 năm 1997, HCĐ Tiger Cup năm 1996, Qủa Bóng vàng Việt Nam năm 1996.

Bi kịch của một HLV

Võ Hoàng Bửu có đầy đủ các bằng C, B và A huấn luyện viên do AFC (Liên đoàn bóng đá châu Á) cấp. Với những tấm bằng này, cựu danh thủ của bóng đá Việt Nam có thể làm việc ở ĐTQG, các CLB trong nước và nước ngoài. Ấy vậy mà, anh lại không thể kiếm nổi một công việc vốn là đam mê và đã ngấm sâu vào máu.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại