Ai cũng biết muốn tiết kiệm được, việc đầu tiên là phải "thắt chặt chi tiêu", hạn chế tối đa những khoản chi bốc đồng vì ham muốn nhất thời. Tuy nhiên, thắt chặt chi tiêu đến mức nào, hoặc chi tiết rạch ròi từng khoản cần chi ra sao thì chưa phải ai cũng hình dung được cụ thể.
Về chung một nhà đến nay đã được 2 năm có lẻ và có 1 em bé hơn 1 tuổi, mỗi năm đều "bỏ túi" được 600 triệu tiền tiết kiệm, thậm chí còn hơn vì những khoản tiền thưởng bất ngờ "ập tới", Ngọc Linh và Trung Hiếu - Cặp vợ chồng 29 tuổi, hiện đang sinh sống tại Hà Nội đã chia sẻ những bí quyết vô cùng thực tế, dễ hiểu trên hành trình tiết kiệm, thắt chặt chi tiêu.
Ảnh minh họa
"Chúng mình hiện đang ở nhà được bố mẹ mua cho, mình làm văn phòng với mức lương 20 triệu đồng/tháng, còn Hiếu hiện đang đầu tư kinh doanh theo hình thức góp cổ phần. Trung bình tổng thu nhập mỗi tháng của vợ chồng mình rơi vào khoảng 90 triệu đồng" - Ngọc Linh chia sẻ.
Với mức thu nhập này, Linh cho biết vợ chồng cô luôn làm 3 đầu này để có thể tiết kiệm ít nhất 50 triệu mỗi tháng.
1. Đổ tiền vào tài khoản tiết kiệm trước và chi tiêu số còn lại
Linh và Hiếu tiết kiệm trước rồi cân đối chi tiêu với số dư còn lại trong tài khoản sau khi tiết kiệm, chứ không chi tiêu trước rồi còn dư bao nhiêu thì tiết kiệm chừng đó. Hàng tháng, ngay sau khi nhận lương, Linh và Hiếu sẽ giữ lại 5,2 triệu đồng/người trong tài khoản để phục vụ việc chi tiêu cá nhân. Số tiền còn lại sẽ được chuyển vào tài khoản chi tiêu chung cho cả gia đình và tài khoản tiết kiệm.
Linh và Hiếu làm 1 file excel chi tiết các khoản cần chi trong tháng, bao gồm tiền chung cho gia đình và tiền chi tiêu riêng của mỗi người. Ảnh: NVCC
2. Cắt giảm chi tiêu cá nhân , tuyệt đối không "động" vào tiền tiết kiệm và tiền dành cho con
Chỉ chi tiêu 5,2 triệu/tháng, đồ cá nhân chỉ giới hạn trong khoảng 500k là điều không mấy khả thi với chị em phụ nữ. Đam mê sắm sửa quần áo, túi xách, đồ trang điểm mà gói gọn trong 500k dường như là điều quá hoang đường.
Với thắc mắc này của chúng tôi, Ngọc Linh khẳng định: "Thực ra vợ chồng mình giới hạn chi tiêu của mỗi người trong 5,2 triệu/tháng là cũng có tính toán cả rồi. Ví dụ như bản thân mình chẳng hạn, nếu mình thích mua sắm, mình sẽ phải hạn chế tiền ăn ngoài lại, không thể tiêu hết 4 triệu tiền ăn được, thay vào đó mình sẽ mang cơm trưa đi làm hoặc tự gội đầu ở nhà thay vì ra quán. Với Hiếu cũng vậy, chồng mình có đam mê mãnh liệt với việc đi chơi bi-a, nên muốn có tiền chơi bi-a xả láng thì phải tự cắt giảm các khoản khác thôi".
Ngọc Linh cho biết vợ chồng cô chỉ tự nấu cơm vào bữa tối, bữa trưa thì "thân ai người ấy lo"
Sau đó, Linh cũng khẳng định có những tháng thu nhập của cả hai không đủ 90 triệu, hoặc có nhiều chuyện phát sinh cần chi như bạn bè tổ chức đám cưới, tiệc sinh nhật/đầy tháng/thôi nôi con của bạn,... vợ chồng cô sẽ cắt giảm tối đa các khoản chi cá nhân (ăn chơi, mua sắm, làm đẹp,...) để đảm bảo không "động" vào tiền dành cho con và tiền tiết kiệm.
3. Lập quỹ hưởng thụ với "hạn mức" 10 triệu/3 tháng
Linh cho biết để có động lực chi tiêu tiết kiệm, vợ chồng cô còn "thỏa thuận miệng" với nhau về khoản "quỹ hưởng thụ" với "hạn mức" 10 triệu/3 tháng.
"Nghĩa là nếu chúng mình chi tiêu cá nhân không vượt quá 5,2 triệu mỗi tháng và đảm bảo duy trì được việc này trong 3 tháng liên tiếp, hai vợ chồng và con sẽ có 10 triệu để cùng nhau đi du lịch. Khoản quỹ hưởng thụ này không được lẹm vào khoản tiết kiệm hay các khoản chi cố định mỗi tháng. Mình ủy chi quỹ hưởng thụ cho Hiếu và anh cũng đồng ý luôn.
Hiếu có quỹ riêng để đầu tư chứng khoán từ khi hai đứa chưa về chung 1 nhà, Mình coi đó là quỹ đen của Hiếu và không quản lý chuyện này, miễn sao anh đảm bảo chỉ tiêu dành ra 10 triệu để cho cả nhà đi chơi 3 tháng 1 lần là được" - Linh giải thích.
Ảnh minh họa
Linh cho biết với mức thu nhập khoảng 90 triệu/tháng, thực ra hai vợ chồng cô có thể tiết kiệm được hơn 50 triệu mỗi tháng nếu thắt chặt chi tiêu hơn nữa. Tuy nhiên, quan điểm của gia đình trẻ này chính là "Tinh thần phải thoải mái thì mới có sức kiếm tiền mà tiết kiệm, việc thắt chặt chi tiêu cũng không nên quá gay gắt, tránh tác dụng ngược. Tiền tiết kiệm nhiều mà vợ chồng cãi nhau, tinh thần lúc nào cũng căng như dây đàn thì chẳng để làm gì".