Nỗi đau chồng chất nỗi đau
Chúng tôi tìm gặp ông Hoàng Xuân Hồng (45 tuổi, trú tại xã Cổ Đạm, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh), người đàn ông được rất nhiều người ngưỡng mộ với tài chống nạng cắt tóc suốt mấy chục năm qua.
Ông Hồng chống nạng cắt tóc cho khách
Gặp ông Hồng đúng lúc ông vừa cắt xong mái tóc cho một người dân cạnh nhà. Ấn tượng ban đầu về người đàn ông này là dù tay chống nạng, tay cầm kéo, nhưng từng động tác cắt của ông vẫn rất thành thục và chuyên nghiệp.
Khi cắt xong tóc cho khách, ông Hồng nhẹ nhàng mời chúng tôi ngồi uống nước, tâm sự. Ông kể, nghề cắt tóc của ông đã duy trì hơn 20 năm nay.
Giọng trầm ngâm, suy tư, ông kể tiếp, vào năm 1983 sau khi ông đi bộ đội về, trong một lần đi làm đồng với cha mẹ không may gặp tai nạn.
Ông Hồng chống nạng cắt tóc cho khách khiến nhiều người nể phục.
Tại bệnh viện, bác sỹ cho biết, ông bị viêm cột sống, cứng khớp, cơ thể bị cứng, không thể đi lại được, phải nằm một chỗ, tàn tật. Thương con, cha mẹ ông đã phải bán hết tài sản trong nhà để đưa ông đi chữa bệnh.
Sau 2 năm đi gần hết các bệnh viện từ trung ương tới địa phương, bệnh tình của ông vẫn không thuyên giảm. Gia đình đành đưa ông về nhà chăm sóc. Mọi sinh hoạt của ông đều phải nhờ cha mẹ chăm lo, từ miếng ăn đến ly nước.
Tai họa ập đến đúng lúc tuổi đôi mươi, khiến ông chán nản, nghĩ mình là người bỏ đi nên đã nhiều lần ông buông xuôi, muốn tìm đến cái chết nhưng nhờ sự động viên của bố mẹ nên ông vẫn tiếp tục tập đi với chiếc nạng gỗ trong tay.
Mất 4 năm ông mới có thể di chuyển được với cây nạng gỗ dù vẫn còn rất khó khăn nhưng hy vọng ít nhiều đã đến với ông. Đến năm 1996, ông lập gia đình, rồi lần lượt sinh được 2 người con.
Đến với nghề cắt tóc như là định mệnh
Nhưng trớ trêu thay, người vợ khi thấy hoàn cảnh gia đình khó khăn đã bỏ đi, để lại 2 đứa con thơ cho ông nuôi nấng.
Ông Hồng kể về những năm tháng của cuộc đời mình.
"Giai đoạn ấy tôi mãi không thể nào quên được, những nỗi đau về thể xác lẫn tinh thần, nỗi sợ hãi khiến người tôi như mất hồn, tôi không thể nào diễn tả được thành lời con người tôi lúc đó", ông Hồng chia sẻ.
Thêm một lần nữa, nỗi đau lại ập đến với ông, khi thân mình còn lo chưa nổi, giờ đây vợ bỏ đi, một mình ông lại phải chăm sóc cả hai người con nhỏ. Thế rồi, năm 1997, ông quyết định đến với công việc mà ít ai có thể tin là ông làm được, nghề cắt tóc.
Bản thân ông chia sẻ, với người khác, cắt tóc chỉ đơn thuần là kiếm sống, nhưng với ông không chỉ có vậy, nghề cắt tóc là động lực để ông bước qua khỏi những tháng ngày giông tố trước đây. Ông nghĩ rằng, cắt tóc vừa kiếm được tiền, vừa vận động được cơ thể, không phải nằm một chỗ.
Ngày đầu mới mở quán cắt tóc, làm quen với công việc đã khó, lại thêm việc không có khách khiến ông thêm lo. Những người nhìn ông đi lại với chiếc nạng gỗ nên cũng tỏ ra sợ hãi khi để cho ông cắt tóc.
Cũng may là có hàng xóm, bạn bè thân thiết đến ủng hộ, rồi dần dần khách tìm đến ông nhiều hơn.
Mặc dù chưa làm giàu được cho gia đình, nhưng công việc cắt tóc cũng giúp ông san sẻ gánh nặng. Trung bình mỗi ngày ông Hồng cắt cho từ 5 – 7 khách, chủ yếu là những người trung tuổi, các em nhỏ.
Hơn 20 năm - cây kéo vừa là công cụ kiếm tiền, vừa là vật giúp ông chiến đấu với bệnh tật.
Thu nhập bình quân hàng ngày của ông khoảng 70 – 100 ngàn đồng. Mặc dù không nhiều nhưng cũng tạm đủ chi tiêu cho cả gia đình.
Người "vá" vết thương lòng
Đang trong cuộc trò chuyện, chúng tôi thấy hai bé nhỏ trong nhà ông Hồng bước ra cùng người phụ nữ khá trẻ, người phụ nữ ấy gọi ông là chồng.
Ông nhìn người phụ nữ ấy với ánh mắt trìu mến và hạnh phúc, rồi nói cho chúng tôi biết, đấy là người vợ thứ 2 của ông.
Người vợ thứ 2, người vun đắp hạnh phúc cho gia đình ông Hồng. Ảnh: Anh Ngọc
Ông kể tiếp, sau những nỗi đau mà người vợ đầu để lại, phải đến năm 2008 ông gặp và cưới người vợ thứ 2. Vợ thứ 2 của ông, bà Võ Thị Nghĩa, là người thấu hiểu những đau khổ, mất mát của ông, về sống chung với ông dưới một mái nhà.
Từ ngày về chung sống với nhau, bà Nghĩa tất bật chăm sóc, vun đắp cuộc sống cho hai người con của vợ trước, và hai người con mà bà sinh ra.
Cuộc sống gia đình khó khăn, chị phải làm rất nhiều công việc nặng nhọc khác để kiếm sống, lo cho 4 người con ăn học, không trông chờ vào công việc của chồng mình.
Nghị lực của ông Hồng khiến nhiều người ngưỡng mộ và cảm phục.
Như một định mệnh, người vợ sau của ông Hồng dường như đang "vá" lại vết thương lòng mà những năm trước ông đã trải qua.
Giờ đây, hai trong 4 người con ông Hồng nuôi nấng đã khôn lớn, đi làm phụ giúp bố mẹ để lo cho hai em ăn học. Cuộc sống của gia đình ông còn đó những khó khăn, nhưng nụ cười, sự lạc quan vẫn còn hiện hữu trên khuôn mặt đầy khắc khổ của ông.
"Chúng tôi rất nể phục bác Hồng, mặc dù đi lại khó khăn nhưng bác ấy đã chăm lo cuộc sống cho vợ và con cái đến nơi đến chốn.
Bác Hồng cắt tóc cẩn thận, an toàn, giá cả lại rẻ hơn các quán khác, vì thế chúng tôi thường xuyên ủng hộ để bác có đồng ra đồng vào lo cho gia đình. Chúng tôi rất khâm phục ý chí và nghị lực của bác ấy", ông Em chia sẻ.