Cảnh báo được đưa ra trong nghiên cứu đăng trên tạp chí Journal of the American Medical Association (JAMA) ngày 7-2. Theo đó, một bệnh nhân được đưa vào khoa phẫu thuật được cho là nguồn lây nhiễm cho 10 nhân viên y tế. 17 người bệnh nhập viện vì những lý do khác cũng đã bị nhiễm virus corona chủng mới. Tổng cộng có 138 người bệnh nhiễm bệnh trong giai đoạn từ 1-1 đến 28-1. Số ca lây nhiễm liên quan tới bệnh viện chiếm tới 41% trong đó.
Trong nghiên cứu đăng trên tạp chí JAMA, trong số 40 nhân viên y tế bị nhiễm virus corona chủng mới ở Bệnh viện Trung Nam, 31 người làm việc tại các phòng bệnh thông thường, 7 người ở khoa cấp cứu và 2 người ở khoa điều trị tích cực (ICU).
Trường hợp cụ thể về việc người bệnh đã lây nhiễm virus corona cho 10 nhân viên y tế cho thấy mức độ nguy cơ rất cao trong các bệnh viện ở giai đoạn đầu bùng phát dịch, mặc dù về tổng thể, hiện tỉ lệ lây nhiễm kiểu này đang ở mức mỗi người bệnh trung bình có thể lây nhiễm cho 2,2 người khác.
Nhóm nghiên cứu cho biết nguy cơ lây nhiễm trong đội ngũ y bác sĩ "chưa thể được chứng minh rõ ràng nhưng giả định dựa trên thời gian và mô hình phơi nhiễm với bệnh nhân bị nhiễm cùng sự phát triển nhiễm trùng sau đó". Các ca nhiễm vẫn tăng lên nên nhóm nghiên cứu cho rằng rất khó để đánh giá chuẩn xác kết quả nghiên cứu và cần tiếp tục quan sát.
Bình luận về nghiên cứu này, ông Michael Head, chuyên gia y tế toàn cầu tại Trường ĐH Southampton, cho rằng: "Nếu đúng như vậy thì điều này khẳng định rằng có một số người bệnh có khả năng lây nhiễm nguy hiểm hơn những người khác. Việc này cũng cho thấy nhiều khó khăn hơn nữa trong việc quản lý các ca bệnh của họ".
Khi nói đến nguy cơ nCov lây lan trong bệnh viện, cho đến nay "chúng ta chỉ có một trường hợp bùng phát ở bệnh viện tại Vũ Hán liên quan đến 15 nhân viên y tế" - bà Maria Van Kerkhove, người phụ trách cao cấp về chuyên môn thuộc chương trình khẩn cấp của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cho biết trong cuộc họp báo hôm 7-2.
Tuy nhiên, bà Maria Van Kerkhove cho rằng "những gì chúng ta có thể nói, một cách chắc chắn, là các biện pháp kiểm soát phòng ngừa nhiễm trùng tiêu chuẩn ở mọi thời điểm trong tất cả bệnh viện là bắt buộc".
Nhân viên y tế giúp chuyển nhóm bệnh nhân đầu tiên vào bệnh viện dã chiến Hỏa Thần Sơn mới hoàn thành ở Vũ Hán. Ảnh: TÂN HOA XÃ
Nghiên cứu đáng chú ý này được công bố không lâu sau khi bác sĩ Lý Văn Lượng, một trong những bác sĩ đầu tiên cảnh báo sớm về mức độ nguy hiểm của nCov, qua đời vào tối 6-2. Ngày 30-12-2019, bác sĩ Lượng gửi tin nhắn cho các đồng nghiệp ở Vũ Hán, cảnh báo về virus corona chủng mới, nhưng sau đó ông này và một số người khác bị cảnh sát triệu tập vì tội phát tán tin đồn. Cùng thời điểm bài nghiên cứu, phó tỉnh trưởng tỉnh Hồ Bắc thừa nhận tại địa phương này, các nhân viên y tế đều đã quá tải vì công việc và thiếu thốn trang thiết bị bảo hộ y tế.
Một bài nghiên cứu khác, cũng được đăng trên JAMA ngày 7-2, đưa ra dữ liệu về 13 bệnh nhân nhiễm nCov bên ngoài TP Vũ Hán. Theo đó, căn cứ dữ liệu của 3 bệnh viện ở Bắc Kinh, hầu hết các bệnh nhân nhiễm bệnh đã đến thăm hoặc tiếp xúc gần gũi với các cá nhân từ Vũ Hán và hầu hết là những người trưởng thành khỏe mạnh - chỉ một trường hợp hơn 50 tuổi và một đứa bé hơn 5 tuổi.
Cẩm nang phòng chống dịch bệnh do virus corona xem TẠI ĐÂY.