Nghiên cứu của các nhà khoa học tại Trung tâm Nghiên cứu Virus (CVR), Đại học Glasgow (Anh) cho thấy mối liên hệ về sự tương tác giữa 2 virus. Trong đó, Rhinovirus (gây cảm lạnh thông thường) có khả năng kích hoạt phản ứng miễn dịch bẩm sinh để ngăn chặn sự sao chép của SARS-CoV-2 trong các tế bào đường hô hấp.
Trong nghiên cứu này, các nhà khoa học lần đầu đưa SARS-CoV-2 lây nhiễm các tế bào hô hấp của con người trong phòng thí nghiệm và tái tạo môi trường mức độ tế bào mà các bệnh truyền nhiễm thông thường xuất hiện. Sau đó, họ nghiên cứu sự nhân lên của SARS-CoV-2 trong môi trường này, trong 2 trường hợp có và không có virus gây cảm lạnh.
Giáo sư Pablo Murcia, thành viên nhóm cho biết, nghiên cứu này cho thấy, Rhinovirus ở người kích hoạt phản ứng miễn dịch bẩm sinh trong các tế bào biểu mô hô hấp của con người, từ đó ngăn chặn sự nhân lên của SARS-CoV-2.
Các mô hình toán học của nhóm nghiên cứu cho thấy sự tương tác giữa các virus có thể ảnh hưởng lớn đến số lượng quần thể, tỷ lệ nhiễm virus gây cảm lạnh càng tăng, số ca nhiễm COVID-19 có thể giảm xuống.
Phát hiện này giúp nhóm nghiên cứu tìm hiểu cơ chế và mức độ tác động của virus gây cảm lạnh với SARS-CoV-2 và phát triển các liệu pháp điều trị COVID-19 ở cấp độ phân tử. Dù vậy, họ nhấn mạnh tiêm vaccine vẫn là phương pháp tốt nhất để bảo vệ con người khỏi dịch bệnh.