Việt Nam triển khai đề án cảnh báo sớm lũ quét, sạt lở đất

Nguyễn Hoài |

Việt Nam sẽ thiết lập và duy trì vận hành hệ thống thông tin - cảnh báo sớm sạt lở đất, lũ quét, đồng thời điều tra, xây dựng hệ thống bản đồ phân vùng rủi ro cho 37 tỉnh trung du, miền núi Việt Nam. Đây là hai giải pháp quan trọng nhằm hạn chế thiệt hại của lũ quét, sạt lở đất trong bối cảnh thiên tai ngày càng khắc nghiệt và dị thường do biến đổi khí hậu.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án Cảnh báo sớm sạt lở đất, lũ quét khu vực miền núi, trung du Việt Nam nhằm xây dựng hệ thống thông tin cảnh báo sớm và hệ thống bản đồ phân vùng rủi ro tỷ lệ trung bình, tỷ lệ lớn đồng bộ, tổng thể.

Để thực hiện mục tiêu trên, Đề án triển khai các nhóm nhiệm vụ cụ thể gồm rà soát, xây dựng hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, quy trình, quy định kỹ thuật phục vụ triển khai các nhiệm vụ liên quan đến phân vùng và cảnh báo sớm thiên tai sạt lở đất , lũ quét.

Ngoài ra thiết lập và duy trì vận hành hệ thống thông tin - cảnh báo sớm sạt lở đất, lũ quét với việc hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung, nâng cấp, phát triển các mô hình cảnh báo sạt lở đất , lũ quét cho 37 tỉnh trung du, miền núi Việt Nam.

Bên cạnh đó, xây dựng hệ thống thông tin - cảnh báo sớm sạt lở đất, lũ quét thời gian thực, có sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý, cơ quan cảnh báo, dự báo và người dân trong thu nhận, phân tích, xử lý thông tin dữ liệu. Thực hiện vận hành thử nghiệm tại trung ương và 37 tỉnh trung du, miền núi Việt Nam.

Đề án sẽ điều tra, xây dựng bộ dữ liệu, lập bản đồ hiện trạng, bản đồ phân vùng nguy cơ, phân vùng rủi ro do sạt lở đất, lũ quét tỷ lệ 1:10.000 và lớn hơn cho 150 khu vực rủi ro cao, ưu tiên trước các khu vực có nguy cơ diễn biến thiên tai sạt lở đất, lũ quét phức tạp.

Việt Nam triển khai đề án cảnh báo sớm lũ quét, sạt lở đất- Ảnh 1.

Các chiến sỹ tìm thấy thi thể mất tích trong vụ sạt lở tại thuỷ điện Rào Trăng 3 (Thừa Thiên Huế) khiến hàng chục người chết và mất tích.

Đề án cũng sẽ điều tra, xây dựng bộ dữ liệu, lập bản đồ hiện trạng, bản đồ phân vùng nguy cơ, phân vùng rủi ro do sạt lở đất, lũ quét tỷ lệ 1:50.000 và tỷ lệ 1:25.000 cho 37 tỉnh trung du và miền núi Việt Nam.

Trong đó, cập nhật bản đồ phân vùng nguy cơ, phân vùng rủi ro thiên tai do sạt lở đất, lũ quét cho 22 tỉnh đã thực hiện tại Chương trình 705. Lập mới bản đồ cho 15 tỉnh gồm Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng, Bình Phước và Đồng Nai.

Để nâng cao năng lực triển khai các nhiệm vụ trên, đề án sẽ nghiên cứu, ứng dụng công nghệ hiện đại trong dự báo, cảnh báo và xây dựng Hệ thống thông tin - cảnh báo sớm sạt lở đất, lũ quét. Tăng cường hợp tác quốc tế trong nghiên cứu, chia sẻ phương pháp, thông tin dữ liệu, kinh nghiệm trong cảnh báo sớm sạt lở đất, lũ quét và phân vùng nguy cơ, phân vùng rủi ro, đồng thời tranh thủ sự hỗ trợ kỹ thuật, tài chính của các quốc gia, các tổ chức quốc tế.

Việt Nam triển khai đề án cảnh báo sớm lũ quét, sạt lở đất- Ảnh 3.

Tìm kiếm chiến sỹ mất tích trong vụ sạt lở đất ở Quân đoàn 337 huyện Hướng Hoá, tỉnh Quảng Trị khiến 22 người bị vùi lấp năm 2020.

Sản phẩm của Đề án sẽ được chuyển giao đến các cấp chính quyền và người dân ở vùng có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ quét nhằm nâng cao năng lực truyền thông, sử dụng thông tin cảnh báo sớm phục vụ phòng, tránh sạt lở đất, lũ quét trong cộng đồng, giảm nhẹ thiệt hại do sạt lở đất, lũ quét gây ra.

Lũ quét và sạt lở đất là hai loại hình thiên tai rất nguy hiểm do tính bất ngờ, không thể dự báo sớm, thường để lại hậu quả nặng nề về người và của. Tại Việt Nam, nhiều vụ sạt lở đất rất thương tâm đã xảy ra như sạt lở đất tại thuỷ điện Rào Trăng, huyện A Lưới, Thừa Thiên Huế hay vụ sạt lở đất tại Đoàn kinh tế - quốc phòng 337, huyện Hướng Hoá, tỉnh Quảng Trị trong mùa mưa lũ lịch sử năm 2020 ở miền Trung.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại