Ngày 18-10, AFC sẽ tiến hành lễ bốc thăm vòng loại áp cuối Olympic Tokyo bóng đá nữ khu vực châu Á. Theo đó, Thái Lan và Việt Nam cùng nằm ở nhóm hạt giống số 3.
Bóng đá nữ châu Á tìm suất đến Tokyo mùa hè năm tới còn nghiệt ngã hơn bóng đá nam rất nhiều. Bởi "năm bà chị lớn" châu Á đều là đẳng cấp thế giới gồm Nhật Bản (không tham gia vì là chủ nhà Olympic), Triều Tiên, Hàn Quốc, Úc và Trung Quốc.
Việt Nam nhất vòng loại giai đoạn 2 thi đấu ở Uzbekistan .
Năm đội hàng đầu châu Á theo kết quả ở vòng chung kết Asian Cup 2018 tại Jordan (cũng là năm suất dự World Cup nữ 2019 tại Pháp hồi tháng 7) gồm Triều Tiên, Úc, Hàn Quốc, Trung Quốc và Thái Lan được miễn vòng loại thứ nhất và thứ hai.
Riêng ba đội đứng đầu ba bảng ở vòng loại thứ hai gồm Việt Nam, Đài Loan và Myanmar, trong đó Việt Nam vô địch bảng tại Uzbekistan. Ba đội này cùng năm đội tuyển kể trên vào giai đoạn cuối cùng tranh suất đi Tokyo.
Nhật là đương kim vô địch châu Á và chủ nhà Olympic 2020.
Theo kết quả phân nhóm hạt giống dựa trên bảng xếp hạng FIFA mới nhất của bóng đá nữ châu Á: Nhóm hạt giống số 1 có Úc và Triều Tiên, số 2: Trung Quốc và Hàn Quốc, số 3: Việt Nam và Thái Lan, số 4: Đài Loan và Myanmar.
Điều đáng nói là AFC đã mạnh dạn thay đổi thể thức thi đấu để giúp các đội yếu hơn có cơ hội cọ xát với những đội mạnh.
Sau khi kết thúc mỗi bảng chọn hai đội nhất và nhì đá chéo với nhau theo thể thức sân nhà, sân khách để chọn hai suất đi Olympic Tokyo.
Đông Nam Á, ngoài Việt Nam còn có Myanmar và Thái Lan góp mặt.
Hai bảng đấu diễn ra ở Trung Quốc từ ngày 3 đến 9-2-2020. Các trận bán kết "đá chéo" vào ngày 6 và 11-3-2020.
Điều này khác với bóng đá nam, trường hợp Nhật (vẫn tham gia) ngoài "tốp 3" ở vòng chung kết U-23 châu Á vào tháng 1-2020 tại Thái Lan thì châu Á có bốn suất, còn nếu Nhật nằm trong tốp 3 thì châu Á vẫn có suất thứ tư.
Điều này cũng dễ hiểu, vì bóng đá nữ tại Olympic Tokyo chỉ có 12 đội, còn bóng đá nam có 16 đội. Bóng đá nữ Olympic Tokyo khai mạc ngày 22-7, tức trước hai ngày so với lễ tổng khai mạc đại hội.