Trong chiến dịch tranh cử để trở thành Tổng thống Mỹ, ngày 8/8/2016, ông Donald Trump đã có bài phát biểu quan trọng về chính sách kinh tế trình bày các chính sách kinh tế, trong đó ông tiếp tục khẳng định quan điểm chống lại Hiệp định thương mại đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), không ủng hộ các hiệp định thương mại tự do vì các hiệp định này khiến nhiều việc làm ở Mỹ bị chuyển ra nước ngoài.
Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành, cho biết mặc dù ông Donald Trump đã tuyên bố không ủng hộ tự do thương mại nhưng phải còn chờ khi chuyển giao quyền lực vào ngày 20/01/2017 liệu lập trường này còn được giữ vững?
Vì trước khi chuyển giao quyền lực, Quốc hội Mỹ sẽ họp lần cuối cùng với Chính phủ của ông Obama và dự kiến sẽ đưa vấn đề TPP là bàn thảo lần nữa.
Tuy nhiên, với Chính phủ mới của ông Trump với đa số nghị sỹ trong Thượng Viện và Hạ Viện là người của Đảng Cộng Hòa thì vấn đề này còn chờ xem xét.
Do đó, Việt Nam và các nước tham gia TPP phải chờ đợi và liệu có việc thương lượng lại các điều khoản trong TPP hay không? Dù sao có hay không có TPP thì Việt Nam vẫn cần phải chuẩn bị và làm tốt hơn nữa việc phát triển và gia tăng nội lực của mình trong hội nhập.
Trao đổi với phóng viên của BizLIVE, TS. Trần Du Lịch cho rằng còn quá sớm để nói về việc TPP có được thông qua hay không? Dù rằng đây là tuyên bố của ông Trump nhưng điều này còn phụ thuộc vào Quốc Hội Mỹ.
Trao đổi với các nhà đầu tư nước ngoài về vấn đề TPP tại cuộc gặp gỡ với các nhà đầu tư nước ngoài tại Vietnam Summit 2016, Phó Thủ tướng Việt Nam - Phạm Bình Minh, cho biết Việt Nam quyết định tham gia thương lượng và ký kết TPP, đó là muốn thúc đẩy tự do thương mại giữa các nước trong khu vực Thái Bình Dương, mở ra cơ hội cho Việt Nam và các nước thành viên TPP.
Vì vậy, TPP là lợi ích chung của các nước trong TPP. Nếu TPP không được thông qua là thiệt hại vì TPP là hiệp định thương mại tự do thế hệ mới tiêu chuẩn cao hơn. Bên cạnh TPP, Việt Nam có FTAs với EU, Liên minh kinh tế Á – Âu, ASEAN, cũng như trong APEC khởi động vòng đàm phán Doha.
Việt Nam đi theo hướng thúc đẩy ký kết các hiệp định thương mại tự do (FTA) và thực tế đến nay đã ký FTA với hơn 55 đối tác và hy vọng sẽ đẩy mạnh thương mại cho Việt Nam.
Việt Nam đang tiến hành quá trình đổi mới, đặc biệt là quá trình cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước và đã đạt được những kết quả nhất định. Trong đó, việc cổ phần hóa những doanh nghiệp có vốn đầu tư lớn của Nhà nước nhằm tăng cường hiệu quả và quản trị tốt hơn trong những doanh nghiệp này.
Đối với những doanh nghiệp Nhà nước làm ăn không hiệu quả việc bán vốn có khó khăn nhưng Chính phủ vẫn quyết tâm bán và chỉ giữ lại những doanh nghiệp liên quan đến vấn đề an ninh của đất nước, như năng lượng, an ninh quốc phòng.
Trước đây, phát triển kinh tế của Việt Nam dựa vào nhân công giá rẻ và dùng nhiều vốn, nhưng nay Việt Nam sẽ phải thay đổi mô hình phát triển, nâng cao năng lực sản xuất và sử dụng tri thức trong phát triển kinh tế, kết hợp cả chiều rộng và chiều sâu.
Chẳng hạn, sẽ tập trung phát triển nông nghiệp kỹ thuật cao, do đó phải tích tụ ruộng đất để tạo ra môi trường rộng lớn hơn, tạo sức cạnh tranh cho nền kinh tế.
Còn ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam, cho biết nếu TPP chưa được phê chuẩn thì không ảnh hưởng đến chính sách nhất quán đổi mới và hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam. Chưa có TPP, Việt Nam đã chú trọng và thúc đẩy thương mại với nhiều nước trên thế giới như các Hiệp định thương mại đã được ký kết.
Đến nay, Việt Nam đã gia nhập các diễn đàn kinh tế đa phương như: AEC (Cộng đồng kinh tế chung ASEAN), WTO (Tổ chức Thương mại thế giới), TPP (Hiệp định đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương)…
Việt Nam đang có 10 FTA (Hiệp định thương mại tự do song phương) đi vào hiệu lực, 01 FTA chưa có hiệu lực và đang đàm phán 04 FTA. Hội nhập kinh tế quốc tế là chủ trương cao nhất của Việt Nam.