Việt Nam làm chủ hầu hết kỹ thuật tim mạch phức tạp

N.Dung |

Mỗi năm hơn 200.000 người Việt tử vong vì bệnh lý tim mạch, gần gấp đôi bệnh ung thư. Ngoài những yếu tố truyền thống, có nhiều nguy cơ mới dẫn đến bệnh tim mạch

Ngày 2-11, tại buổi họp báo trước Đại hội khoa học tim mạch Đông Nam Á lần thứ 27, GS-TS Nguyễn Lân Việt, Phó Chủ tịch thường trực Hội Tim mạch học Việt Nam, đánh giá Việt Nam đã làm chủ được hầu hết các kỹ thuật tiên tiến về bệnh lý tim mạch, tương đương các nước trong khu vực và thế giới.

Thậm chí trong can thiệp tim bẩm sinh, thầy thuốc Việt Nam được mời đi nhiều quốc gia để chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật.

Việt Nam làm chủ hầu hết kỹ thuật tim mạch phức tạp - Ảnh 1.

Kỹ thuật can thiệp tim mạch ở Việt Nam được chuyên gia quốc tế đánh giá ngang tầm các nước phát triển

Theo GS Việt, nếu như trước đây, nhiều bệnh nhân tim mạch phức tạp ở nước ta phải ra nước ngoài điều trị với chi phí cao thì hiện nay các thầy thuốc Việt Nam đã làm chủ được hầu hết kỹ thuật tiên tiến về bệnh lý tim mạch, tương đương các nước trong khu vực và thế giới. Tỉ lệ bệnh nhân tim mạch phải ra nước ngoài rất hãn hữu. Đối với bệnh tim bẩm sinh, có tới 80% bệnh nhân không phải phẫu thuật.

Mới đây nhất, Viện Tim mạch Việt Nam đã trở thành cơ sở đầu tiên ở nước ta điều trị thành công ca bệnh rung nhĩ phức tạp với công nghệ hiện đại bằng bóng áp lạnh. Kỹ thuật này đạt hiệu quả cao, giúp ngăn ngừa cơn rối loạn nhịp tim tái phát, giúp bệnh nhân có cuộc sống và sinh hoạt bình thường trở lại.

GS-TS Huỳnh Văn Minh, Chủ tịch Hội Tim mạch học Việt Nam, cho rằng hiện nay, người dân còn thiếu những kiến thức chung để chủ động phòng chống bệnh tim mạch, chưa chú ý khám sức khỏe định kỳ và chủ động điều chỉnh lối sống nguy cơ.

Việt Nam làm chủ hầu hết kỹ thuật tim mạch phức tạp - Ảnh 2.

Chuyên gia Viện Tim mạch Việt Nam thực hiện một ca can thiệp tim phức tạp

Lý giải nguyên nhân tỉ lệ bệnh nhân mắc và tử vong vì bệnh tim mạch cao, GS Minh cho rằng bên cạnh yếu tố truyền thống gây gia tăng bệnh lý tim mạch (bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường, hút thuốc lá, rượu bia…) thì vấn đề đô thị hóa, các yếu tố môi trường như: Khói bụi, tiếng ồn, stress hay hậu COVID-19 cũng là những nguy cơ mới xuất hiện đang ảnh hưởng sức khỏe tim mạch của người dân.

Theo báo cáo gánh nặng bệnh tật toàn cầu năm 2022, bệnh tim mạch trở thành nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trên toàn thế giới. Mỗi năm, bệnh lý này cướp đi 19,5 triệu sinh mạng, chiếm khoảng 1/3 tử vong do mọi nguyên nhân.

Tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 200.000 người Việt tử vong vì bệnh tim mạch, chiếm 33% ca tử vong, cao hơn số ca tử vong vì ung thư hàng năm là khoảng 115.000 người.

Đại hội khoa học tim mạch Đông Nam Á lần thứ 27 diễn ra từ ngày 2 đến 5-11 với chủ đề "Giao thoa tim mạch: Thách thức và cơ hội". Hơn 2.000 đại biểu, trong đó có 300 chuyên gia tim mạch hàng đầu ASEAN và thế giới tham dự sự kiện. Đây cũng là cơ hội cho các thầy thuốc chuyên ngành tim mạch bổ sung kiến thức, kỹ năng trong chăm sóc sức khỏe tim mạch cho người dân.

Hội nghị khoa học với hơn 80 phiên khoa học bao gồm 750 bài báo cáo, diễn ra liên tục cùng lúc ở 10 hội trường trong 3 ngày. Ngoài những chủ đề khoa học thường quy như: Can thiệp tim mạch, siêu âm tim, điều trị rối loạn nhịp tim… năm nay sẽ có thêm những phiên khoa học, đào tạo đặc biệt của các chuyên gia nước ngoài đến từ Hội tim mạch can thiệp Mỹ, các phiên cập nhật khuyến cáo từ Hội tim mạch châu Âu.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại