Vị vua này là vua Lê Hiển Tông (1717-1786) - một trong những vị vua áp chót của nhà Hậu Lê. Ông tên húy Lê Duy Diêu, con trưởng của vua Lê Thần Tông. Sinh thời, vua Lê Hiển Tông nắm giữ quyền lực trong 46 năm, thọ 69 tuổi.
Dù sinh ra trong gia đình đế vương, nhưng đây là giai đoạn vua Lê đã mất hết thực quyền vào tay chúa Trịnh. Các đời vua trước như Lê Kính Tông bị chúa Trịnh bức tử, Lê Dụ Tông bị ép phải thoái vị.
Bất bình trước sự lấn át của họ Trịnh, một số hoàng thân nhà Lê nổi lên chống lại. Năm 1738, con thứ tư của vua Lê Dụ Tông là Lê Duy Mật làm chính biến nhưng bất thành. Sau khi Lê Duy Mật bỏ trốn, Lê Duy Diêu bị Trịnh Giang bắt giam.
Theo cuốn Hoàng Lê nhất thống chí , năm 1740, Trịnh Doanh lên ngôi chúa mới chuyển hoàng tử Lê Duy Diêu đến giam ở nhà cậu mình là Vũ Tất Thận. Kỳ lạ đêm trước đó, Vũ Tất Thận “mơ thấy thiên tử tới nhà, cờ quạt phấp phới, nhã nhạc vang lừng, rõ ra cảnh tượng của đời thái bình”.
Sáng hôm sau thấy quân lính giải hoàng tử đến nhà, ông ta rất kinh ngạc, cho là ứng vào giấc mộng, bèn kể lại với chúa. Trịnh Doanh thấy vậy cho là người có phúc lớn bèn đón hoàng tử về tôn lên làm vua, đặt niên hiệu là Cảnh Hưng.
Nhờ vào giấc mơ của Vũ Tất Thuận, hoàng tử Lê Duy Diêu đang từ thân phận tù nhân đã trở thành vua của nhà Hậu Lê danh chính ngôn thuận.
Sử sách ghi chép, vua Lê Hiển Tông là người có ngoại hình của bậc đế vương với mắt phượng, râu rồng. Ông không được kỳ vọng nhiều khi lên ngôi, nhưng lại mang đến cuộc sống ấm no, yên ổn cho người dân nên rất được kính trọng.
Vị vua này còn đặc biệt hơn ở chỗ có đến 3 con rể làm vua của những triều đại khác nhau. Đầu tiên, công chúa Ngọc Hân gả cho vua Quang Trung. Thứ hai, công chúa Ngọc Bình lấy vua Cảnh Thịnh của nhà Tây Sơn. Sau khi nhà Tây Sơn sụp đổ, công chúa Ngọc Bình lấy vua Gia Long và đến 3 con chung.
Ông ghi dấu ấn trong lịch sử nhờ đưa ra nhiều đường lối, chính sách trị quốc tài tình. Đặc biệt, ông cũng là vị vua đã cho ban hành bộ luật tố tụng đầu tiên của nước ta.