Tăng cường quan hệ hợp tác với Hải quân các nước
Để tạo mối quan hệ cũng như học tập kinh nghiệm tổ chức, trong thời gian gần đây, Hải quân nhân dân (HQND) Việt Nam đã rất tích cực cử các chiến hạm vượt nghìn dặm xa tham dự nhiều cuộc duyệt binh và diễn tập đa phương do phía bạn tiến hành.
Những chuyến tàu vượt đại dương ra biển lớn tham gia các hoạt động giao lưu hữu nghị, hợp tác quốc tế của HQND Việt Nam cùng các hoạt động đối ngoại hải quân được tổ chức đa dạng trên nhiều lĩnh vực đã trở thành điểm sáng trong hoạt động đối ngoại quốc phòng, góp phần tăng cường hội nhập quốc tế về quốc phòng, củng cố sức mạnh của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Tháng 8/2019 vừa qua, tàu hộ vệ tên lửa Gepard 016-Quang Trung đã vượt hơn 4.600 hải lý, thực hiện thành công chuyến thăm xã giao Liên bang Nga và tham gia các hoạt động kỷ niệm 323 năm Ngày truyền thống hải quân Nga tại TP Vladivostok.
Chuyến thăm ghi dấu ấn lần đầu tiên tàu hải quân Việt Nam thăm Liên bang Nga, góp phần tăng cường hợp tác giữa hải quân và quân đội hai nước. Hải trình hơn 4.600 hải lý ấy được coi là một trong những kỷ lục của chiến hạm HQND Việt Nam.
Trước đó, các tàu hộ vệ tên lửa Gepard của Việt Nam lần lượt thực hiện các chuyến thăm tới Ấn Độ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản. Năm 2016, tàu hộ vệ tên lửa Gepard 011-Đinh Tiên Hoàng đã vượt gần 5.000 hải lý từ Biển Đông qua eo biển Malacca tới Ấn Độ Dương tham gia Lễ duyệt binh tàu hải quân quốc tế tại căn cứ hải quân Visakhapatnam (Ấn Độ).
Năm 2018, tàu hộ vệ tên lửa Gepard 015-Trần Hưng Đạo lập thêm kỷ lục mới khi vượt qua hơn 5.000 hải lý đi thăm Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc.
Các hoạt động đối ngoại quân sự trên biển còn là dịp để tăng cường năng lực cho lực lượng hải quân Việt Nam. Thông qua các hoạt động huấn luyện khả năng phối hợp hoạt động trên biển với hải quân các nước, cán bộ, chiến sĩ hải quân có điều kiện học hỏi kinh nghiệm, nâng cao kỹ năng, chuyên môn, nghiệp vụ.
Qua những chuyến hành quân dài ngày trên biển, cán bộ, chiến sĩ hải quân kết hợp diễn tập phối hợp hiệp đồng, huấn luyện khả năng tác chiến trong các môi trường và điều kiện khác nhau.
Thông qua các hoạt động đối ngoại quân sự, HQND Việt Nam gửi tới hải quân và quân đội các nước thông điệp hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.
Các thỏa thuận hợp tác, cơ chế đối thoại, tham vấn song phương mà hải quân Việt Nam đạt được với hải quân các nước trong khu vực và trên thế giới là cơ sở để HQND Việt Nam xây dựng và phát triển quan hệ hữu nghị, hợp tác với hải quân các nước, phối hợp và ứng phó với các vấn đề an ninh phi truyền thống, hợp tác trong lĩnh vực cứu hộ - cứu nạn, góp phần giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn hàng hải ở khu vực cũng như trên thế giới.
Với vai trò lực lượng nòng cốt trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Việt Nam, sự tham gia tích cực của HQND Việt Nam vào các hoạt động đối ngoại quân sự không chỉ nâng cao sức mạnh của lực lượng hải quân mà còn củng cố tiềm lực quốc phòng nói chung, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo và thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc.
Các hoạt động nổi bật trong năm 2020
Phó Đô đốc Phạm Hoài Nam, Ủy viên Trung ương Đảng, Tư lệnh Quân chủng Hải quân cho biết, năm 2020, Việt Nam làm Chủ tịch ASEAN, quân chủng Hải quân được sự chỉ đạo trực tiếp của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đang chuẩn bị làm tốt sự kiện Việt Nam giữ chức Chủ tịch ASEAN.
Trong đó, có các hoạt động bên lề của Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng mở rộng, tổ chức các hoạt động duyệt binh tàu quốc tế, tổ chức hội thảo về an ninh biển, lễ hội đường phố, phiên họp các Tư lệnh ASEAN...
Đây là một trong những sự kiện lớn để khẳng định vị thế của Việt Nam trong khu vực và trên trường quốc tế; khẳng định Quân đội thực hiện nghiêm túc chỉ thị của Đảng về đối ngoại quốc phòng, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, khi đất nước chưa nguy.
Hội nghị Tư lệnh Hải quân các nước ASEAN lần thứ 14 (ANCM-14) sẽ diễn ra vào ngày 5/5/2020 tại thành phố biển Nha Trang với sự tham gia của đại biểu Hải quân đến từ các nước ASEAN. ANCM là Hội nghị thường niên của Hải quân các nước ASEAN, trước đây chỉ là các cuộc gặp gỡ giao lưu của hải quân các nước trong khu vực.
ANCM chính thức trở thành Hội nghị theo sáng kiến của HQND Việt Nam vào năm 2011 khi được Việt Nam tổ chức tại Hà Nội. Sáng kiến này đã đưa Hội nghị Tư lệnh Hải quân các nước ASEAN trở thành một diễn đàn chính thức được tổ chức hằng năm cấp tư lệnh hải quân các nước ASEAN.
ANCM đã hoạt động rất hiệu quả và đã trở thành một cơ chế quan trọng trong hợp tác quốc phòng và Hải quân trong cơ chế của Hội nghị Tư lệnh lực lượng quốc phòng không chính thức (nay là Hội nghị Tư lệnh Lực lượng Quốc phòng) và Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN đóng góp tích cực cho hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển trong khu vực và trên thế giới, nhất là an ninh biển.
Các quốc gia trong khu vực và trên thế giới coi sự kiện IMR hoặc IFR (duyệt binh tàu quốc tế) là nhằm nâng cao vị thế, uy tín quốc gia, trong đó có tiềm lực quân sự, tạo tiếng vang dư luận trên trường quốc tế, tăng cường sự hợp tác, tin cậy và hiểu biết lẫn nhau giữa Quân đội và Hải quân các nước.
IMR là sáng kiến đề xuất của Hải quân Việt Nam vào Kế hoạch hoạt động của WPNS (Hội nghị Tư lệnh Hải quân các nước Thái Bình Dương) năm 2020. Đây cũng là hoạt động kỷ niệm 65 năm thành lập Hải quân nhân dân Việt Nam, tạo cơ hội cho Quân chủng Hải quân nâng cao năng lực phối hợp với Hải quân các nước và tăng cường quan hệ hợp tác với Hải quân các nước.
Duyệt binh Hàng hải quốc tế năm 2020 (IMR-2020) sẽ diễn ra vào ngày 7/5/2020 trên vịnh Nha Trang. Các lực lượng Hải quân tham gia gồm 9 nước ASEAN (bao gồm Việt Nam); tàu các nước thành viên tham gia Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng, WPNS và Hải quân các nước khác có quan hệ hợp tác với Hải quân Việt Nam (khoảng 43 nước tham dự).
Việc lần đầu tiên đăng cai các hoạt động lớn của hải quân khu vực chứng tỏ sự trưởng thành và lớn mạnh của HQND Việt Nam, góp phần tăng cường mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với hải quân, quân đội và nhân dân các nước trên thế giới, khẳng định năng lực, vị thế của HQND Việt Nam, QĐND Việt Nam trên trường quốc tế.
Năm 2020, BQP chủ trì tổ chức hơn 20 hội nghị và hoạt động quân sự - quốc phòng của ASEAN
Với chủ đề "Hợp tác quốc phòng vì một ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng", năm 2020, Bộ Quốc phòng sẽ chủ trì tổ chức hơn 20 hội nghị và hoạt động quân sự - quốc phòng của ASEAN, tập trung vào một số hoạt động chính như: Hội nghị Hẹp Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN (ADMM Hẹp); Hội nghị Tư lệnh Lực lượng Quốc phòng các nước ASEAN (ACDFM); Duyệt binh hàng hải quốc tế (IMR 2020), Diễn tập hải quân đa phương ASEAN lần 2 (AMNEX 2-2020), Hội nghị Tư lệnh Hải quân ASEAN; Hội nghị Quan chức quốc phòng cấp cao ASEAN (ADSOM) và quan chức quốc phòng cấp cao ASEAN mở rộng (ADSOM+); Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN (ADMM), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+), Lễ kỷ niệm 10 năm ADMM; Triển lãm Công nghiệp Quốc phòng Việt Nam bên lề Hội nghị ADMM+…
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng BQP, cho biết, các ưu tiên trong năm ASEAN 2020 được xác định gồm: Thúc đẩy đối thoại, hợp tác quốc phòng - quân sự nội khối ASEAN và giữa ASEAN với các nước đối tác; chủ động đề xuất sáng kiến, hình thức hợp tác mới, nhất là các sáng kiến hướng vào việc củng cố thể chế, nâng cao năng lực phối hợp hoạt động chung và làm sống động các cơ chế hợp tác hiện có; tăng cường hợp tác thực chất trong lĩnh vực quốc phòng - quân sự; thúc đẩy giải quyết các vấn đề an ninh, cả an ninh truyền thống và phi truyền thống, tội phạm xuyên quốc gia, các vấn đề nảy sinh trên biển...; nâng cao năng lực của Việt Nam thông qua hợp tác thực chất và đăng cai đồng chủ trì Nhóm chuyên gia ADMM+ về Gìn giữ hòa bình.