Theo tờ Euromaidan ngày 11/6, kết quả bầu cử Nghị viện châu Âu (EP) nhiệm kỳ 2024-2029 cho thấy các đảng cực hữu đã đạt được một số lợi ích, đặc biệt nhờ kết quả ở Pháp và Đức. Tuy nhiên, các nhóm trung dung thân Ukraine vẫn giữ được đa số.
Các đảng cực hữu ở châu Âu, chẳng hạn như đảng Giải pháp thay thế cho nước Đức (AfD) của Đức, bị cáo buộc có quan hệ với Liên bang Nga và trong hàng ngũ có người chịu ảnh hưởng của Điện Kremlin cũng như hoạt động tuyên truyền của Liên bang Nga.
Tuy nhiên, Đảng Nhân dân châu Âu (EPP) trung hữu vẫn dẫn đầu với việc giành được 186 trên 720 ghế EP. Đảng này phần lớn ủng hộ Ukraine trong cuộc chiến chống lại Liên bang Nga.
Theo Đài Liberty (RL), liên minh trung dung, hiện đang thành lập Ủy ban châu Âu, có khả năng duy trì đa số và dự kiến bà Ursula von der Leyen, chính trị gia đến từ EPP, một lần nữa trở thành ứng cử viên cho chức Chủ tịch Ủy ban châu Âu.
Kể từ khi Liên bang Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào ngày 24/2/2022, bà Ursula von der Leyen được nhìn nhận là một người ủng hộ nhiệt thành cho Ukraine và hậu thuẫn cho các biện pháp trừng phạt kinh tế chống lại Nga và cung cấp viện trợ tài chính cũng như viện trợ nhân đạo cho Ukraine, đồng thời kích thích cảm hứng trở thành thành viên Liên minh châu Âu (EU) của Ukraine.
Kết quả bầu cử EP cũng cho thấy đứng sau EPP là hai đối tác chính – đảng Xã hội và Dân chủ theo đường lỗi trung tả với 135 ghế và đảng Đổi mới châu Âu theo đường lỗi trung dung với 79 ghế.
Tiếp đến là hai nhóm cực hữu, gồm đảng Bảo thủ và Cải cách châu Âu cùng đảng Bản sắc và Dân chủ, lần lượt với 73 và 58 ghế.
Euromaidan cho biết thêm EP là một trong những cơ quan ra quyết định và phân bổ ngân sách cốt lõi của EU. Với Ukraine, trách nhiệm chính của EP thể hiện trên các phương diện như hỗ trợ tài chính cho Kiev trong cuộc chiến chống lại Moskva và việc Ukraine gia nhập EU.
Pháp
Tại Pháp, liên minh ôn hòa của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã thất bại trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu (EP) trước đảng Mặt trận Quốc gia (FN) theo đường lối cực hữu.
Trong một bài phát biểu trước toàn thể người dân Pháp, Tổng thống Pháp cho biết các đảng cực hữu đang thắng thế ở khắp nơi trên lục địa già. Đó là tình huống khiến ông không thể từ chức.
Ông Macron nhấn mạnh: “Tôi quyết định để các bạn lựa chọn… Vì vậy, tôi sẽ giải tán Quốc hội vào tối nay (ngày 9/6 theo giờ địa phương)”.
Xem video Chủ tịch Uỷ ban châu Âu, bà Ursula von der Leyen bỏ phiếu bầu Nghị viện châu Âu hôm 9/6/2024 và phát biểu về việc làm mới liên minh trung dung sau bầu cử Nghị viện châu Âu. Nguồn: Reuters
Đức
Khối Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) và Liên minh Xã hội Cơ đốc giáo Bavaria (CSU) theo đường lối bảo thủ đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử ở nước này với cách biệt lớn. Trong đó, đảng Giải pháp thay thế cho nước Đức (AfD) đứng ở vị trí thứ hai, đúng như dự đoán. Đảng Dân chủ Xã hội lãnh đạo liên minh cầm quyền của Thủ tướng Olaf Scholz đứng ở vị trị thứ ba.
Cả ông Macron và ông Scholz đều tích cực cung cấp viện trợ quân sự cho Ukraine từ năm 2022 và gần đây đã cho phép Ukraine tấn công các mục tiêu quân sự hợp pháp bên trong lãnh thổ Nga.
Áo, Tây Ban Nha và Italy
Ở Áo, đảng Tự do theo đường lối cực hữu, nổi tiếng với việc chỉ trích các biện pháp trừng phạt chống lại Nga, đứng ở vị trí thứ nhất.
Ở Tây Ban Nha, đảng Nhân dân cánh hữu dẫn trước một chút so với đảng Xã hội cầm quyền.
Tại Italy, đảng Những người anh em Italy của Thủ tướng Giorgia Meloni dẫn đầu cuộc bầu cử EP với kết quả dự kiến là giành được từ 26-30% số phiếu ủng hộ.
Hà Lan
Tuy nhiên, ở Hà Lan, liên minh đảng Xã hội và đảng Xanh, do cựu Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu Frans Timmermans lãnh đạo, dẫn trước đảng Vì Tự do cánh hữu của Geert Wilders.
Bỉ
Ở Bỉ, những người theo chủ nghĩa dân tộc cánh hữu từ Liên minh Flemish mới đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử. Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo tuyên bố từ chức sau thất bại đáng kể của đảng đảng Tự do và Dân chủ Flemish mở rộng do ông lãnh đạo trong cả cuộc bầu cử Quốc hội và bầu cử EP.
Khoảng 360 triệu cử tri từ 27 quốc gia EU đã đủ điều kiện tham gia cuộc bỏ phiếu từ ngày 6 đến ngày 9/6. Tại hầu hết các quốc gia thành viên, người ta đã chứng kiến tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu cao hơn ở so với cuộc bầu cử năm 2019.