Thí dụ mang tính thời sự và điển hình nhất là Malaysia.
Ngày 24/5 vừa qua, tập đoàn DRB-Hicom quyết định bán 49,9% cổ phần của họ tại Proton Holding - hãng sản xuất xe hơi "quốc dân" của Malaysia - cho tập đoàn Zhejiang Geely của Trung Quốc. Hãng xe Malaysia đã mất gần một năm loay hoay tìm đối tác nước ngoài trong nỗ lực cứu vãn Proton thoát khỏi tình cảnh chật vật trước khi bị bán cho Geely – hãng xe đang sở hữu cả Volvo của Thụy Điển.
Syed Faisal Albar - Giám đốc điều hành tập đoàn DRB-Hicom và Giám đốc tài chính của Zhejiang Geely - Li Donghui đã ký kết thoả thuận nói trên tại Putrajaya, Malaysia.
"Chúng tôi hiểu rằng Proton được người dân Malaysia yêu mến", ông Li nói khi đưa ra lời hứa hẹn sẽ giữ lại thương hiệu Proton thay vì hợp nhất nó với một hãng xe nào khác. Sau đó, ông tiết lộ kế hoạch đầy tham vọng của công ty: tăng gấp bốn lần năng lực sản xuất hàng năm lên 3 triệu xe vào năm 2020, trong đó 500.000 chiếc sẽ được sản xuất tại Malaysia.
Thông tin nghe chừng sáng lạn nhưng Proton – hãng xe Malaysia – thực sự đã mất quyền kiểm soát về tay người Trung Quốc.
Cựu Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad đã rơi nước mắt khi nhìn thấy cảnh bán thương hiệu xe hơi mà ông thành lập năm 1983. "Tôi rất buồn", ông viết trên một blog vào ngày 25 tháng 5. "Proton không còn là thương hiệu dân tộc nữa rồi... đứa con này đã bị thất lạc".
Thị trường Đông Nam Á đầy tiềm năng
Trước đây, thị trường ô tô Đông Nam Á không được chú ý khi đặt cạnh Trung Quốc rất phát triển. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ tại khu vực nhanh chóng khiến cả thế giới ngạc nhiên.
Khoảng 3,2 triệu xe đã được bán ra ở Đông Nam Á vào năm 2016, tương đương với con số tại Đức - thị trường ô tô lớn nhất châu Âu. Dân số tiếp tục bùng nổ cùng sự phát triển kinh tế được dự đoán là hai chất xúc tác tiếp tục thúc đẩy sự tăng trưởng của ô tô tại Đông Nam Á.
Doanh số bán hàng (cột xanh) và lượng xe sản xuất (cột đỏ) tại Đông Nam Á trong giai đoạn từ 2006-2016. Đơn vị: Triệu chiếc. Nguồn: Hiệp hội ô tô ASEAN. Đồ hoạ: Nikkei.
Geely không phải là nhà sản xuất ô tô Trung Quốc duy nhất có tầm nhìn về Đông Nam Á. Công ty SAIC Motor thuộc sở hữu nhà nước đã sản xuất xe thuộc thương hiệu MG tại Thái Lan từ năm 2014 với sự hợp tác của tập đoàn quốc nội Charoen Pokphand. Hiện nay, họ còn đang xây dựng một nhà máy với công suất hàng năm khoảng 200.000 xe.
Về phần mình, Geely sau khi có Proton sẽ tăng cường sức ảnh hưởng không chỉ tại Malaysia mà sẽ dùng quốc gia này làm đòn bẩy xuất khẩu sang toàn Đông Nam Á nhờ thuế suất 0% nếu đạt tỷ lệ nội địa hoá nội khối từ 40%. Mà vốn dĩ điều này, Pronto đã có thể đạt được trước khi biên bản được ký kết.
Gui Sheng Yue, Giám đốc điều hành của Geely Automobile, nói: "Geely là nhà sản xuất ô tô toàn cầu, vì vậy chúng tôi không chỉ bán sản phẩm tại Trung Quốc mà còn vươn xa ra thế giới. Mục tiêu này sẽ không bao giờ thay đổi".
Theo Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô quốc tế có trụ sở tại Paris (Pháp), bốn nhà sản xuất ô tô Trung Quốc hiện đã nằm trong Top 20 nhà sản xuất xe hơi hàng đầu thế giới vào năm 2015. SAIC xếp thứ 13, là nhà sản xuất lớn nhất trong số các nhà sản xuất Trung Quốc, sản xuất ra 2,26 triệu xe, vượt qua Daimler của Đức và Mazda của Nhật.
Geely "suýt" lọt danh sách này khi đứng 21 với sản lượng khoảng 1 triệu chiếc.
Nhiều nhà sản xuất ô tô Trung Quốc đã tiến gần hơn tới top 10. Nguồn: OICA. Ảnh: Nikkei.
Thực tế cho thấy, các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc dễ dàng tăng cường sự ảnh hưởng khi hợp tác với các nhà sản xuất nước ngoài ở Trung Quốc. Điều đó thể hiện qua doanh số bán hàng thông qua liên doanh với Volkswagen của Đức và General Motors của Mỹ, SAIC tại Thượng Hải bán gần 6,5 triệu xe một năm, vượt xa Honda Motor hay Nissan Motor.
Tham vọng vươn ra quốc tế của ô tô Trung Quốc
Henry Ford đã ra mắt Model T vào năm 1908, đánh dấu sự ra đời của chiếc ô tô sản xuất hàng loạt đầu tiên trên thế giới. Kể từ đó, chỉ có Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và một số nước châu Âu có thể sản xuất ô tô với khả năng cạnh tranh toàn cầu.
Đối với các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc, muốn tham gia vào câu lạc bộ độc quyền đó, chỉ có thị trường gần đó là Đông Nam Á mới có thể đóng vai trò là đầu tàu hoàn hảo để khởi động cuộc mở rộng toàn cầu của họ.
Tuy nhiên, có một thực tế không thể phủ nhận rằng, các công ty Nhật Bản kiểm soát khoảng 90% thị trường Đông Nam Á. 600 triệu người trong khu vực đã quá quen thuộc với Camry của Toyota, thì rất ít người biết tới SAIC hoặc Geely.
Sự lấn lướt của các thương hiệu Nhật tại các quốc gia điển hình tại Đông Nam Á. Nguồn: Hiệp hội ô tô Malaysia. Đồ hoạ: Nikkei.
Tuy nhiên, Geely và DRB-Hicom dự định xây dựng Proton thành thương hiệu cạnh tranh nhất tại Malaysia và là thương hiệu hàng đầu tại Đông Nam Á. Để làm điều đó, nhà sản xuất ô tô này phải cải tiến hình ảnh cũ của Proton.
Thị trường xe điện tương lai
Do đó, còn quá sớm để khẳng định xe Trung Quốc có thể thống trị tại Đông Nam Á như những gì họ đang làm được tại thị trường nội địa.
Song, Geely hiện đang bán hơn 95% số xe trong nước. SUV là thế mạnh của hãng này giá chỉ 100.000 nhân dân tệ (14.500 USD) nên đạt doanh số bán hàng tăng tới 50% lên 766.000 chiếc vào năm ngoái. Nếu có thể thực hiện được chiến lược giá rẻ cho Proton, thì xe Trung Quốc có thể đe doạ thị phần của các đối thủ Nhật Bản, tờ Asia Nikkei nhận định.
Ngoài ra, theo Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc, vào năm 2015, Trung Quốc đã vượt Mỹ để trở thành thị trường lớn nhất thế giới về xe điện và xe hybrid với tổng doanh số khoảng 340.000 chiếc.
Đông Nam Á không nằm ngoài xu hướng xe xanh. Chính vì thế, khu vực này tiếp tục trở thành thị trường màu mỡ để các nhà sản xuất xe điện, xe lai xăng điện nhảy vào dành thị phần trước khi các mẫu xe đắt đỏ nhập khẩu từ châu Âu, châu Mỹ lấn sân.