Khi phần lớn các nước châu Âu đang phải đối mặt với đợt bùng phát COVID-19 mới, nhiều nơi đã phải đóng cửa hoặc áp đặt giới nghiêm trở lại, thì nhiều nước châu Á lại đang kiểm soát rất tốt tình hình. Một điển hình là Trung Quốc .
Hôm thứ Hai tuần này, Trung Quốc đã công bố tăng trưởng kinh tế tích cực trong quý thứ hai liên tiếp, chứng tỏ nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã phục hồi nhanh chóng như thế nào. Vậy làm thế nào để Trung Quốc mở cửa lại và thúc đẩy hoạt động kinh tế - xã hội mà vẫn kiểm soát được dịch COVID-19 ?
Sau đợt bùng phát dịch đầu tiên ở Vũ Hán , có thể nhiều người vẫn nghĩ rằng cách xử lý dịch đặc trưng của Trung Quốc là phong tỏa nhanh chóng. Thế nhưng đây chỉ là bước đầu trong vô vàn cách tiếp cận khác của nước này. Trên thực tế, ngay cả trong đợt dịch đầu tiên, ngoài Vũ Hán thì các khu vực khác của đất nước chưa bao giờ bị hạn chế nghiêm ngặt đến như vậy.
Thành công của Trung Quốc là dựa vào khả năng theo dõi và truy vết các ca bệnh trên toàn quốc. Phương pháp này bao gồm một hệ thống "mã sức khỏe" theo màu và mã QR để theo dõi hành trình của người dân, giúp việc tìm nguồn lây nhiễm trở nên dễ dàng hơn.
Chính quyền thành phố Thanh Đảo báo động sau khi ghi nhận các trường hợp mắc COVID-19 không biểu hiện triệu chứng. Ảnh: Reuters
Sau khi khoanh vùng được khu vực lây nhiễm, chính quyền các nơi ở Trung Quốc sẽ hành động một cách nhanh chóng trong việc đóng cửa, xét nghiệm, khử trùng. Điển hình là trong đợt lây nhiễm ở thành phố Thanh Đảo, đông bắc Trung Quốc hồi đầu tháng, 10 triệu người dân thành phố đã được xét nghiệm chỉ trong vòng một tuần, ngay sau khi 12 trường hợp được báo cáo mắc bệnh.
Ngoài ra, việc người dân có ý thức tuân thủ quy định của chính quyền cũng là yếu tố giúp các biện pháp chống dịch đem lại kết quả tích cực.
Ông Wei - TP Thanh Đảo, Trung Quốc cho biết: "Cộng đồng thành phố đã làm tốt công tác phòng chống và kiểm soát dịch bệnh. Mọi người dân vẫn cảm thấy khá an toàn ngay cả khi phát hiện các ca bệnh".
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) mới đây đã nhận định nhiều nước Đông Á trong đó có Trung Quốc đã làm rất tốt việc ngăn chặn dịch bệnh lây lan và khuyến cáo các nước châu Âu, Bắc Mỹ nên học tập.
"Các cộng đồng ở châu Á có mức độ tin cậy và sự tuân thủ các biện pháp của chính quyền cao hơn, họ thường duy trì các biện pháp chống dịch được yêu cầu lâu hơn", ông Michael Ryan - Giám đốc điều hành Chương trình khẩn cấp y tế của WHO nói.
Trong số các biện pháp đó, đeo khẩu trang chính là yếu tố then chốt. Hoạt động này đã được người dân nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc thực hiện rất nghiêm túc.