Trong chuyến thăm này, Tổng thống Obama kỳ vọng về “cái bắt tay thật chặt” với Saudi Arabia và các nước đồng minh Vùng Vịnh khác trong cuộc chiến chống lại nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Iraq và Syria.
Ngoài ra, Washington cũng bày tỏ lo ngại về số người dân thường thiệt mạng cũng như sự bành trướng của các chân rết thuộc al-Qaeda tại Yemen sau những cuộc không kích Saudi Arabia thực hiện tại đây. Bên cạnh đó còn là mối quan hệ ghét nhau ra mặt giữa Saudi Arabia và Iran.
Vậy nhưng một “ổ gà” đang hiện hữu làm trở ngại chặng đường công du Saudi Arabia của Tổng thống Obama, đó chính là phát biểu của ông lồ lộ trên tạp chí The Atlantic.
Trên tờ báo, Tổng thống Mỹ cho rằng Saudi Arabia cần phải “chia sẻ tình hàng xóm láng giềng” với Iran thay vì chờ đợi Washington với tư cách là đồng minh sử dụng sức mạnh quân sự để trả thù.
Ngoài ra, Tổng thống Obama còn miêu tả các nước Vùng Vịnh là “kẻ đi nhờ” luôn bộc lộ “sự chần chừ trong hành động” liên quan tới an ninh khu vực.
Khi được phóng viên đặt câu hỏi về cảm nghĩ trước phát biểu trên, Ngoại trưởng Saudi Arabia Adel al-Jubeir đã từ chối trả lời nhưng quả quyết rằng Riyadh đánh giá mối quan hệ với Mỹ dựa trên các cam kết mà Washington cho biết sẽ thực hiện.
Trong khi đó, Hoàng tử Saudi Arabia Turki Al-Faisal, người từng lãnh đạo cơ quan tình báo của Riyadh, phản hồi tờ The Atlantic rằng Tổng thống Obama vào tháng 9 năm ngoái đã đảm bảo với Quốc vương Salman về sự cấp thiết “dằn mặt” những “hành động làm mất ổn định” của Iran, nhưng đến nay Mỹ lại dường như đang “chơi khăm” Riyadh.
Hoàng tử Turki Al-Faisal cũng chê trách cụm từ “kẻ đi nhờ” mà ông Obama sử dụng rồi chất vấn rằng phải chăng vị Tổng thống 54 tuổi đang “xoay trục sang Iran”?
Ngay cả trước khi cuộc phỏng vấn của ông Obama gây “tổn thương” cho Saudi Arabia thì các nhà lãnh đạo nước này cũng đã mất cảm tình với vị Tổng thống 54 tuổi bởi thỏa thuận khung về chương trình hạt nhân của Iran đạt được vào tháng 7 năm ngoái cùng việc giảm nhẹ các lệnh trừng phạt nhằm vào Tehran.
Một trong những khác biệt chính theo các nhà phân tích là trong khi Saudi Arabia không ưa gì Iran và ảnh hưởng của nước này trong khu vực thì Riyadh lại cảm nhận thấy rằng chính quyền của ông Obama vẫn đặt niềm tin vào vai trò xây dựng của Iran tại Trung Đông, đặc biệt trong việc hỗ trợ đẩy lùi IS.
Theo kế hoạch, trong ngày hôm nay 20/4, Tổng thống Obama có cuộc gặp song phương với Quốc vương Salman. Đến ngày 21/4, ông Obama sẽ dự hội nghị thượng đỉnh cùng lãnh đạo các nước Saudi Arabia, UAE, Qatar, Kuwait, Oman và Bahrain.
Fahad Nazer, nhà phân tích chính trị cấp cao từng công tác tại đại sứ quán Saudi Arabia ở Washington, đánh giá rằng ý kiến của Hoàng tử Turki chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”.
Và Nazer cho rằng một trong những phần còn ẩn mình là nhiều chính trị gia Saudi Arabia thất vọng khi ông Obama lơ là vai trò của Mỹ trong khu vực và để ảnh hưởng rơi vào tay các quốc gia khác.
Được biết, trước khi cùng UAE và một số nước Vùng Vịnh sát cánh với Mỹ không kích IS, Saudi Arabia đã không lập tức gia nhập nhiệt tình mà còn đòi hỏi Mỹ phải quyết đoán trong việc “xóa sổ” chính quyền Tổng thống Syria Bashar Assad.
Tuy nhiên sau đó Nga cũng tiến hành không kích IS tại Syria và Iraq một cách độc lập. Không quân Nga đã khiến IS chịu nhiều tổn thất đáng kể đồng thời tạo điều kiện để quân đội của chính phủ ông Bashar Assad được củng cố và có bước tiến đáng kể hơn ở mặt trận trên bộ chống IS.
Mặc dầu vậy, mối quan hệ giữa Mỹ và Saudi Arabia vẫn duy trì tốt đẹp hướng “đôi bên cùng có lợi” khi Riyadh vẫn là khách hàng ruột mua vũ khí của Mỹ và thường xuyên tham gia tập trận cùng.
Ngoài ra, Saudi Arabia còn là nhà xuất khẩu dầu lớn thứ hai cho Mỹ với 1 triệu thùng/ngày.
Bất chấp mối quan hệ kinh tế và quân sự khăng khít thì Mustafa Alani, một lãnh đạo tại Trung tâm Nghiên cứu Vùng Vịnh tại Geneva lại cho rằng các nhân vật chóp bu của Riyadh hiện đang mòn mỏi chờ đợi kết quả ai sẽ là Tổng thống kế nhiệm ông Obama.
“Saudi Arabia đã chán ngán các lời hứa suông”, ông Alani nói.