Vào ngày "thiên tài vật lý" Stephen Hawking từ giã cõi đời (14/3/2018), trên chương trình bản tin sáng "Good Morning Britain" của Anh, MC nổi tiếng Piers Morgan nói rằng: "Lẽ ra giáo sư phải được nhận giải Nobel và phong tước Hiệp sĩ. Cuối cùng mọi việc lại không như vậy!"
Có thể, ít ai biết rằng, vị giáo sư vật lý khởi nguyên cho ngành vũ trụ học ấy đã từng khước từ tước Hiệp sĩ từ Nữ hoàng Anh.
Nếu như lý do Stephen Hawking không nhận được giải Nobel còn có thể thông hiểu dưới góc độ khách quan, vì các công trình nghiên cứu của ông về hố đen (cụ thể là bức xạ Hawking) mới chỉ dừng ở lý thuyết và chưa đủ điều kiện để kiểm nghiệm thực tế, thì việc từ chối nhận tước Hiệp sĩ lại đến từ chính niềm đam mê với khoa học của ông.
Tại sao lại vậy?
Trả lời phỏng vấn của MC Piers Morgan, ông Richard White, phát ngôn viên của Trung tâm Thần kinh vận động Anh, cho biết: Giáo sư Stephen Hawking đã từng vinh dự được Nữ Hoàng phong tước Hiệp sĩ vào những năm 1990 cho những cống hiến khoa học không ngừng nghỉ của ông.
Tuy nhiên, giáo sư lại thẳng thắn từ chối danh hiệu cao quý này nhằm thể hiện sự không hài lòng với việc chính phủ Anh chưa quan tâm đúng mức (đầu tư kinh phí) cho các nghiên cứu khoa học thời bấy giờ.
Cuộc gặp gỡ giữa Stephen Hawking và Nữ hoàng Anh Elizabeth II. Ảnh: Unilad
Mặc dù chưa một lần nhận giải Nobel hay danh hiệu Hiệp sĩ, nhưng những cống hiến trong nghiên cứu khoa học của ông vẫn được ghi nhận xứng đáng: Năm 1982, Stephen Hawking được trao tặng huân chương CBE (Tư lệnh Đương đại xuất sắc nhất của Đế quốc Anh); Huân chương danh dự năm 1989; Huân chương Tự do Tổng thống; Giải Wolf; Là thành viên của Hội Nghệ thuật Hoàng gia và Viện Hàn lâm Khoa học Giáo hoàng.
Nguyện ước ngày cuối đời của Stephen Hawking
MC Piers Morgan tiết lộ mình đã cuộc phỏng vấn trò chuyện với giáo sư Stephen Hawking năm 2017. Trong số đó có câu hỏi rất tế nhị thế này: "Giáo sư sẽ làm gì khi biết mình chỉ còn một ngày cuối cùng trên đời?" - "Đơn giản lắm Morgan ạ. Tôi sẽ vẫn quây quần bên gia đình, nhấm nháp ly champagne, thưởng thức giai điệu của Richard Wagner (nhà soạn nhạc người Đức) và ngắm nhìn những tia nắng mùa hè rực rỡ."
Đến cuối cùng, dù là một nhà khoa học vĩ đại như thế nào với thế giới, dù chu du khắp nẻo vũ trụ trên chiếc xe lăn mà ông gắn bó hơn nửa đời người để tìm hiểu về nó, thì vị giáo sư đáng kính ấy vẫn không màng danh hiệu.
Ước nguyện cho ngày cuối cùng của cuộc đời, Stephen Hawking cũng chỉ muốn ấm áp bên gia đình, và thưởng thức những gia vị thường nhật nhất, mà lại đậm chất hạnh phúc bình dị nhất.
Từ nay về sau, dù hậu thế có chứng minh được lý thuyết về bức xạ Hawking mà ông khởi xướng hay không, ta vẫn nhớ mãi về con người ấy, nhớ mãi về chàng trai 21 tuổi đón nhận căn bệnh đặc biệt, nhớ mãi về một tấm lòng vị tha với đời và hết mực yêu người của ông.
Xin nghiêng mình tiễn biệt Stephen Hawking. Mong giáo sư hãy yên nghỉ!
Bài viết sử dụng nguồn: Metro, Unilad