Bình luận viên Finian Cunningham trên tờ RT đánh giá, quyết định của Tổng thống Donald Trump là một điều nghịch lý. Việc Mỹ rút quân khỏi Syria có khả năng mang lại lợi ích cho hòa bình trong dài hạn. Nhưng trong ngắn hạn, các rủi ro có thể làm tăng nguy cơ xung đột.
Trong đó, nguy cơ chính bắt nguồn từ Thổ Nhĩ Kỳ - quốc gia đang coi cuộc rút quân của Mỹ là cơ hội để tiến hành một cuộc tấn công chống lại cái gọi là "mối đe dọa" người Kurd ở Syria.
Ngoài ra, đồng minh của Mỹ là Israel đã cảnh báo rằng, họ sẽ lấp đầy khoảng trống mà lực lượng Mỹ để lại để tấn công lực lượng dân quân do Iran hậu thuẫn ở Syria.
Rõ ràng, lực lượng Chính phủ Syria và quân đội Iran sẽ khó lòng để yên cho các hành vi trên mà không có các biện pháp đáp trả cứng rắn. Do đó, không khó để tưởng tượng Syria đang có nguy cơ trở thành một chiến trường mới - ngay cả khi cuộc chiến kéo dài 8 năm qua với phe đối lập được cho là sắp kết thúc.
Mỹ rời đi, sự cân bằng không còn
Điều trớ trêu nhất là viễn cảnh bạo lực có thể bùng phát từ chính các đồng minh của Mỹ như Thổ Nhĩ Kỳ và Israel , chứ không phải từ các nhóm khủng bố còn sót lại giống như các nhà phân tích lo ngại.
Kể từ khi ông Trump ra lệnh rút gần 2.000 lính Mỹ ở Syria vào tuần trước, tổng thống đã bị các nhà phê bình lưỡng đảng và các đồng minh NATO chỉ trích vì rời bỏ nhiệm vụ đánh bại chủ nghĩa khủng bố ở quốc gia Trung Đông.
Các nhà phê bình này cho rằng ông Trump đang cho phép các chiến binh thánh chiến có cơ hội tập hợp lại và nhen nhóm mối đe dọa khủng bố mới không chỉ ở Syria mà còn lan rộng hơn ở châu Âu và các nơi khác.
Sự từ chức mới nhất của Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis và đặc phái viên Syria Brett McGurk được cho là để phản đối việc ông Trump ra lệnh rút quân.
Quan điểm đó cũng được lặp lại bởi Anh, Pháp và Đức. Trong đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đích danh phàn nàn về việc ông Trump không phải là đồng minh đáng tin cậy trong cuộc chiến chống khủng bố.
Tuy nhiên, Cunningham cho rằng, điều mà các quan điểm nói trên không hiểu được đó là quyết định của ông Trump xuất phát từ tính toán về lợi ích kinh doanh, thay vì là một quyết định mang tính "chiến lược".
Sự suy tính của ông Trump chỉ được hé lộ khi ông nói rằng, quyết định rút quân khỏi Syria được đưa ra sau cuộc điện thoại với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan vào tuần trước.
Cuộc trò chuyện giữa hai người diễn ra khi bộ Ngoại giao Mỹ xác nhận rằng Thổ Nhĩ Kỳ đang mua tên lửa Patriot trị giá 3,5 tỷ USD từ nước này.
Theo bình luận viên Cunningham, đó chính là thứ thanh âm đã làm thay đổi Tổng thống Mỹ. Với lối suy nghĩ của một nhà kinh doanh luôn đặt lợi nhuận lên trên hết như ông Trump, chấm dứt nhiệm vụ tiêu diệt IS và tiết kiệm chi phí mà quân đội Mỹ đang đóng quân ở Syria là điều nên làm.
Đặc biệt hơn cả, người Thổ Nhĩ Kỳ đã quay trở lại để mua vũ khí của Mỹ - một món hời lớn sau vài tháng hai nước tranh cãi về vụ việc một mục sư bị giam giữ và hợp đồng mua hệ thống phòng không S-400 của Nga.
Tuy nhiên, bằng cách rút khỏi Syria, các nhà phê bình đã cáo buộc Mỹ ném người Kurd trước mũi xe, khiến họ dễ bị Thổ Nhĩ Kỳ nhắm đến.
Cuộc chiến ở Syria có nguy cơ bùng nổ trở lại chỉ vì Mỹ rời đi.
Tổng thống Erdogan đã cảnh báo trong nhiều tháng qua về việc lực lượng nước này đã chuẩn bị vào Syria để tiến hành cuộc tấn công chống lại người Kurd.
Đây là khía cạnh mà quyết định mang nặng tính kinh doanh của ông Trump không đáp ứng được. Tiết kiệm tiền cho quân đội và bán tên lửa Patriot nghe có vẻ là một món lợi lớn trước mắt, nhưng việc kiếm tiền nhanh có thể giải phóng động lực nguy hiểm.
Bất kể ông Trump có làm gì, ưu tiên hàng đầu của chính quyền Erdogan luôn là đánh bại người Kurd ở Syria chứ không phải tiêu diệt IS hoặc các nhóm khủng bố thánh chiến khác.
Điều này đã được minh chứng ở lời phàn nàn của Nga và Iran về việc Ankara đã không tận tâm tận lực trong việc giải tán Mặt trận Al Nusra tại các khu vực giảm leo thang quanh Aleppo và Idlib ở khu vực tây bắc của Syria.
Đó có lẽ là lý do tại sao Nga đã phản ứng thận trọng với việc rút quân của Tổng thống Trump khỏi Syria. Về cơ bản, hành động đó đáng hoan nghênh, nhưng nó cũng khiến cho sự cân bằng đã không còn cân bằng.
Quân đội Mỹ không nên có mặt ở Syria ngay từ đầu. Đối với bất kỳ sự dàn xếp chính trị lâu dài, không chỉ các lực lượng Mỹ mà cả các lực lượng NATO khác phải ra khỏi Syria.
Nhưng trong kịch bản trước mắt về việc quân đội Mỹ rút lui là một thỏa thuận ảm đạm giữa ông Trump và ông Erdogan, nguy cơ bạo lực có thể nổ ra từ lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ khi phát động cuộc chiến chống người Kurd ở đông bắc Syria.
Có thể dự đoán trước được rằng Tổng thống Syria Bashar al Assad sẽ không tha thứ cho một sự xâm nhập như vậy. Canh bạc của Thổ Nhĩ Kỳ có thể sẽ gây ra một cuộc chiến toàn diện với chính quyền Damascus.
Yếu tố rủi ro khác từ quyết định nặng tính kinh doanh của ông Trump là Israel leo thang các hoạt động quân sự ở Syria.
Thủ tướng Benjamin Netanyahu đã trả lời một cách kiên quyết trước tin tức Mỹ rút lui bằng tuyên bố sẽ đẩy mạnh các cuộc tấn công vào các nhóm dân quân được Iran hậu thuẫn.
Tuy nhiên, một cuộc xâm lược Syria của Thổ Nhĩ Kỳ vẫn có thể được ngăn chặn. Nga trước đây đã đề xuất cho người Kurd nên quay trở lại hiện trạng vốn có, bằng việc đồng ý bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của Syria và từ bỏ ý tưởng thành lập một nhà nước ly khai. Ngoài ra, người Kurd cũng có thể liên kết với quân đội Syria để đối đầu lại tham vọng của Thổ Nhĩ Kỳ.
Đối với Israel, nước này phải cân nhắc nguy cơ va chạm với các hệ thống phòng không S-300 mới được lắp đặt ở Syria mà Moscow cung cấp sau vụ bắn hạ máy bay trinh sát Il-20 hồi tháng 9/2018.
Dẫu vậy, mối nguy hiểm vẫn đang tồn tại từ động thái mới nhất của Tổng thống Trump.
Vấn đề gốc rễ là sự can dự của quân đội Mỹ vào Syria và Trung Đông nói chung. Các lực lượng Mỹ, cũng như các lực lượng NATO khác lẽ ra không nên có mặt ở Syria ngay từ đầu.
Bởi chính vì sự có mặt không hợp lý của họ mà cho đến lúc này, khi muốn rút đi, sóng gió vẫn chưa kết thúc.