Không quân Indonesia từ bỏ Su-35 để quay sang mua F-15EX Eagle II (trong ảnh) của Mỹ (Ảnh: USAF).
Theo bản tin của Defense News ngày 23/12, tướng Fadjar Prasetyo Tham mưu trưởng Không quân Indonesia hôm 21/12 nói tại cuộc họp báo ở Căn cứ Không quân Halim Perdanakusuma gần thủ đô Jakarta, chính thức xác nhận với giới truyền thông rằng Indonesia đang tìm kiếm một loại máy bay chiến đấu hạng trung hoặc hạng nặng thế hệ 4,5. Các lựa chọn hiện bị thu hẹp đối với các máy bay chiến đấu F-15EX của Mỹ và Rafale của Pháp.
Ông Fadjar Prasetyo cho biết đây là kết quả của các cuộc thảo luận chung với Bộ Quốc phòng. Ông cũng cho biết Indonesia muốn có 2-3 phi đội tiêm kích (24-36 máy bay), nhưng điều này sẽ phụ thuộc vào ngân sách. Nếu Indonesia chọn mua F-15EX của Mỹ, các máy bay chiến đấu đa năng này có thể được chuyển giao sớm nhất vào năm 2027.
Ngoài ra, ông Prasetyo cũng chính thức xác nhận đã từ bỏ kế hoạch mua máy bay chiến đấu Sukhoi Su-35 Flanker-E của Nga đã gây nên "tâm trạng nặng nề". Indonesia là quốc gia truyền thống sử dụng máy bay chiến đấu do Nga sản xuất và đã liên tiếp mua các loại máy bay chiến đấu đa năng Su-27SK và Su-30MK.
Trên thực tế, từ năm 2015 Indonesia đã lựa chọn loại máy bay chiến đấu một chỗ ngồi hai động cơ hiện đại Su-35 của Nga, nhưng sau cuộc đàm phán với Moscow vào năm 2018, nước này cuối cùng đã không ký hợp đồng mua 11 chiếc máy bay chiến đấu Su-35.
Tướng Fadjar Prasetyo Tham mưu trưởng Không quân Indonesia (Ảnh: Guancha).
Tờ Defense News bình luận rằng mặc dù chưa bao giờ công nhận nhưng Indonesia có thể đã từ bỏ việc mua Su-35 của Nga vì lo ngại rằng động thái này có thể kích hoạt các lệnh trừng phạt của Mỹ theo "Đạo luật trừng phạt chống lại kẻ thù của Mỹ" (The Countering America's Adversaries Through Sanctions Act, CAATSA) để áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Indonesia.
Để trừng phạt Nga vì vụ xung đột với Ukraine và sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014, can dự vào cuộc nội chiến Syria và can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016, Dự luật CAATSA đã được các nghị sĩ cả hai đảng Cộng hòa và Dân chủ thông qua, và sau đó đã được Tổng thống Donald Trump khi đó ký ban hành.
Theo luật này, Washington có thể trừng phạt các quốc gia mua vũ khí, khí tài quân sự và các linh, phụ kiện liên quan từ các “quốc gia đối thủ của Mỹ” như Nga, Iran, Triều Tiên để đạt được hiệu quả răn đe.
Máy bay Su-30MK của Không quân Indonesia (Ảnh: Guancha)
Theo ông Prasetyo, trong mọi trường hợp, nếu Indonesia chọn mua F-15EX, Boeing sẽ có thể bắt đầu giao hàng sớm nhất là vào năm 2027. Do phi đội máy bay hiện có của Indonesia bao gồm các máy bay F-16C/D second hand đã được nâng cấp của Không quân Mỹ và Sukhoi Su-27/30 Flankers do Nga sản xuất, nên khi mua bất kỳ máy bay chiến đấu mới nào cũng cần phải có khả năng phù hợp với thứ đã có.
Được coi là "quốc gia vạn đảo", Indonesia được tạo thành từ hơn 17.000 hòn đảo, trải dài từ rìa phía đông của Ấn Độ Dương đến Papua New Guinea. Nước này rất cần các máy bay chiến đấu để lấp đầy lỗ hổng phòng không, nhưng do vấn đề ngân sách và nhiều yêu cầu quốc phòng cần giải quyết nên đã cản trở những nỗ lực liên quan.
Máy bay chiến đấu F-16C/D của Không quân Indonesia (Ảnh: Guancha).
Không quân Indonesia là một trong số ít không quân các quốc gia trên thế giới được trang bị các máy bay chiến đấu hiện đại của cả Nga và Mỹ, chủ yếu gồm các máy bay chiến đấu Su-27 và Su-30 Flankers của Nga; các máy bay chiến đấu F-18E/F của Mỹ, v.v.
Vào năm 2011 Không quân Indonesia đã mua 24 máy bay chiến đấu Lockheed Martin F-16C/D Fighting Falcons đã qua sử dụng từ Không quân Mỹ.
Không quân Indonesia đang mua máy bay mới để đáp ứng nhu cầu phòng không ngày càng cấp bách, nhưng do các vấn đề ngân sách và nhu cầu quốc phòng đặc biệt của quốc gia vạn đảo, việc mua sắm máy bay chiến đấu của Indonesia đã bị trì hoãn.
Indonesia trước đây đã bày tỏ quan tâm đến việc mua phi đội máy bay chiến đấu Typhoon đã qua sử dụng của Áo. Tuy nhiên, do giá thành đắt và một vụ bê bối tham nhũng, Áo đã buộc phải cho phi đội Typhoon của họ nghỉ hưu trước thời hạn, điều này đã buộc Indonesia phải tìm mua máy bay chiến đấu mới.