Trong khi đó, những đồng nghiệp cùng lứa với bạn đều đã trở thành lãnh đạo hay quản lý cấp cao. Bạn hãy thử nhìn lại và đánh giá bản thân mình bằng cách tham khảo những lý do dưới đây nhé.
Quá mờ nhạt, không thể hiện bản thân
Nguyên nhân có lẽ xuất phát từ việc bạn quá mờ nhạt giữa đám đông những con người cũng đang cố gắng từ ngày ấy. Để con đường công danh, sự nghiệp của mình phát triển, ai cũng đều mong muốn bản thân được công nhận. Chính vì vậy, việc thể hiện khả năng, sự hiểu biết của mình đối với mọi người, đặc biệt đối với sếp là vô cùng cần thiết.
Bạn đừng nghĩ rằng chỉ cần làm việc chăm chỉ, cố gắng thì mọi người sẽ nhìn thấy. Hãy mạnh dạn, thể hiện khả năng của bản thân để ghi điểm trong mắt sếp nhé. Thể hiện bản thân ở đây không phải khoe khoang, làm lố, bạn có thể thường xuyên báo cáo tiến độ công việc với sếp; chủ động đưa ra những ý tưởng trong các cuộc họp; hăng hái và nhiệt tình trong những buổi gặp gỡ,…
Thái độ làm việc thiếu nghiêm túc, lười nhác
Liệu bạn có phải là người hay đi muộn về sớm? Tác phong thiếu sự nghiêm túc, chững chạc? Bạn thường xuyên vắng mặt trong các buổi họp, các buổi gặp mặt quan trọng? Bạn không hoàn thành deadline đúng giờ?
Tất cả những cử chỉ, hành động tuy nhỏ nhưng đấy cũng là một trong những yếu tố đánh giá liệu bạn có phù hợp với một chức vụ cao hơn hay không. Và đương nhiên, nếu bạn duy trì những thói quen thiếu chuyên nghiệp ấy thì dù có gắn bó lâu hơn nữa thì việc "thăng chức" cũng nằm ngoài tầm với.
Hãy tập những thói quen giúp bản thân chuyên nghiệp, đúng giờ hơn. Việc thay đổi cách ăn mặc gọn gàng, phong thái, cử chỉ hay dáng đi cũng sẽ gây thiện cảm hơn với đối phương đấy.
Không nâng cao năng lực bản thân
Càng nhiều sự phát triển về khoa học, kỹ thuật,..bản thân mỗi người càng phải cố gắng trau dồi hơn nữa để theo kịp thời đại. Hơn nữa ở các chức vụ cao hơn, càng nhiều những yêu cầu về kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm.
Vậy nên, thay vì buồn bã, thắc mắc vì bản thân không được thăng chức, hãy dành thời gian tìm hiểu, cải thiện và trau dồi thêm nhiều kiến thức và kỹ năng cho bản thân mình. Tìm hiểu những khóa học Online, Offline hay đọc thêm những cuốn sách về tư duy, kỹ năng sẽ giúp "nâng cấp" giá trị bản thân bạn.
Không dám đưa ra lời yêu cầu, mong muốn được thăng chức
Một tổ chức, phòng ban có biết bao nhiêu nhân viên, việc sếp không thể quan tâm hết từng người là điều dễ hiểu. Vì vậy, hãy đưa ra yêu cầu, mong muốn được thăng tiến sự nghiệp với sếp, hãy chủ động đặt mình trong "tầm ngắm" của sếp nhé. Bên cạnh đề xuất ý kiến, đừng quên tạo thật nhiều thiện cảm, ấn tượng để ghi điểm nhiều hơn trong mắt họ.
Theo như Joel Garfinkle, cố vấn chuyên gia kiêm tác giả cuốn "Getting Ahead: Three Steps to Take Your Career to the Next Level" đã từng nói: ""Hãy đưa việc đó thành một chủ đề thực sự của cuộc nói chuyện. Bạn cần chia sẻ nguyện vọng của mình với sếp theo cách thật cởi mở và cụ thể, đồng thời hãy hỏi xem chính xác thì bạn nên làm gì để được thăng chức."
Các mối quan hệ với sếp và đồng nghiệp chưa tốt
Mối quan hệ đồng nghiệp – đồng nghiệp, sếp – nhân viên sẽ vô cùng quan trọng đối với sự thăng tiếp trong nghề nghiệp. Nếu bạn gây những ấn tượng không tốt với sếp về thái độ, cách cư xử, kỷ luật,…, sẽ rất khó để họ "chấm" bạn lên vị trí mới. Hay những mối quan hệ "toxic" với đồng nghiệp cũng sẽ là những cản trở lớn trong chặng đường thăng tiến.
Hãy cởi mở, chủ động xây dựng những mối quan hệ tốt đẹp giữa bạn và tất cả mọi người trong công ty vì biết đâu đấy chính là cơ hội, yếu tố tác động đến sự thăng tiến trong công việc của bạn đấy.
Tuy nhiên, nếu bạn không mắc vào những nguyên nhân trên, mà luôn cố gắng hoàn thiện bản thân mỗi ngày để xứng đáng với những vị trí mong muốn nhưng vẫn không được thăng chức, vậy thì đã đến lúc cần tìm một môi trường mới, công việc mới phù hợp hơn rồi đấy.
Hãy suy nghĩ thật kỹ trước khi đưa ra những quyết định quan trọng, và đặc biệt hãy cho mình cơ hội để phát triển hơn nữa nhé.