Vì sao cuộc chiến hạt nhân Liên Xô – Mỹ đã không xảy ra?

Vũ Cao |

Bằng khả năng phân tích sắc bén, Juanita Moody đã ngăn chặn giới quân sự Mỹ phát động cuộc chiến tranh hạt nhân chống Liên Xô…

Làm nhiệm vụ phân tích cho Cục Tình báo tín hiệu, Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA), Juanita Moody là người đầu tiên phát hiện hệ thống tên lửa mang đầu đạn hạt nhân do Liên Xô bố trí tại Cuba sau khi Cơ quan tình báo CIA, Mỹ, thất bại trong việc ủng hộ một nhóm Cuba lưu vong, lén lút xâm nhập đảo quốc này ngày 17-4-1961 để lật đổ chính quyền do Chủ tịch Fidel Castro lãnh đạo.

Bằng khả năng phân tích sắc bén, Juanita Moody đã ngăn chặn giới quân sự Mỹ phát động cuộc chiến tranh hạt nhân chống Liên Xô…

1. Đó là sáng chủ nhật 14-10-1962, Juanita Moody ra khỏi trụ sở Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA), đặt tại Fort Meade, bang Maryland rồi đi bộ đến bãi đậu xe, nơi chiếc Chevrolet của bà nằm trong khu vực dành cho những lãnh đạo cao nhất NSA.

Bà kể: “Bầu trời có màu xanh như ngọc và tôi biết cũng buổi sáng hôm ấy, CIA đã cho 1 máy bay do thám U2 tiến hành chụp ảnh tất cả những căn cứ quân sự trên đất Cuba. Tâm trạng của tôi khá lo lắng bởi lẽ trong 2 năm qua, đã có 2 chiếc U2 bị bắn rơi, một ở Liên Xô và một ở Trung Quốc”.

Vì sao cuộc chiến hạt nhân Liên Xô – Mỹ đã không xảy ra? - Ảnh 1.

Moody, 38 tuổi, khi là trưởng nhóm G-Group, NSA .

Thời điểm ấy, sau thất bại trong vụ đổ bộ lên Vịnh Con Lợn do một nhóm người Cuba lưu vong tiến hành dưới sự hỗ trợ của CIA, dẫn đến quan hệ giữa Liên Xô và Mỹ càng thêm căng thẳng, Tổng thống Mỹ John F. Kennedy luôn muốn biết người Nga đang làm gì ở Cuba.

Tin tức của các điệp viên, các nhà ngoại giao, các chuyên gia phân tích tình báo cùng các quan chức quân sự gửi đến Nhà Trắng hầu như không trả lời được câu hỏi này ngoại trừ những mảnh ghép rời rạc, rằng lưu lượng tàu bè từ các căn cứ hải quân của Liên Xô đến Cuba tăng lên bất thường.

Các bản kê khai hàng hóa do các điệp viên lấy được từ các tàu Liên Xô cập cảng Cuba, nhiều bản bị bỏ trống hoặc hàng hóa khai báo không khớp với tải trọng của tàu.

Đáng kể nhất là thông qua những cuộc trò chuyện vô tuyến do hệ thống mã thám của NSA thu được, những nhà lãnh đạo nước Mỹ biết rằng việc bốc dỡ hàng hóa hầu hết diễn ra vào ban đêm, trong đó có cả xe tăng, máy bay phản lực Mig và máy bay ném bom IL-28.

Chưa hết, hệ thống mã thám còn thu được những cuộc trò chuyện bằng tiếng Tây Ban Nha tại một căn cứ không quân ở Tiệp Khắc, cho thấy Liên Xô đang gấp rút đào tạo phi công chiến đấu người Cuba.

Tuy nhiên, chẳng ai biết rằng chỉ cách bang Florida chưa đầy 180km đường biển, những bệ phóng tên lửa mang đầu đạn hạt nhân của Liên Xô đã sẵn sàng nhắm vào nước Mỹ trong bối cảnh mùa thu năm 1961, Liên Xô tuyên bố rút khỏi hiệp ước song phương với Mỹ về thử nghiệm vũ khí hạt nhân.

Cũng cuối tháng 10 năm ấy, họ cho nổ một quả bom khinh khí 50 megaton ở biển Bắc Cực, tương đương với 3.800 quả bom mà Mỹ ném xuống Hiroshima, Nhật Bản.

2. Sinh ngày 29-5-1924, Juanita Moody là con đầu trong một gia đình có 9 người con. Năm 1943, sau khi tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm Western Carolina, bang Carolina, Moody tình nguyện gia nhập quân đội rồi được tuyển vào Cục Tình báo tín hiệu bởi lẽ lúc còn đi học, bà luôn đạt thành tích xuất sắc về môn toán xác xuất thống kê.

Trải qua một khóa đào tạo, Moody trở thành nhân viên phá mã rồi từ đó cho đến khi Thế chiến II chấm dứt, cuộc sống của Moody xoay quanh những tín hiệu tình báo thông qua các bản tin của Đức Quốc xã truyền bằng radio hoặc dữ liệu radar, hoặc các báo cáo được mã hóa trong những bức thư, những tờ tạp chí, những cuốn tiểu thuyết…

Một trong những thành công của Moody được Cục Tình báo tín hiệu vinh danh là bà đã giải mã tất cả mọi bản tin từ Sứ quán Đức ở Tokyo, Nhật Bản, gửi về Berlin, Đức.

Chiến tranh kết thúc, Moddy dự định quay lại trường đại học nhưng cấp trên của bà khi nhận được tờ đơn xin thôi việc, đã nói với Moody rằng: “Vẫn còn rất nhiều những bí mật cần được khám phá để bảo vệ đất nước. Nỗ lực của bạn không thể dừng lại ngày hôm nay vì đó mới chỉ là điểm khởi đầu”.

Vì sao cuộc chiến hạt nhân Liên Xô – Mỹ đã không xảy ra? - Ảnh 2.

Ảnh do máy bay U2, Mỹ chụp tàu Anosov chở tên lửa hạt nhân đến Cuba nhưng người Mỹ tưởng nhầm là tên lửa đối không.

Ở lại Cục Tình báo tín hiệu, sự nghiệp của Moody thăng tiến theo thời gian. Năm 1947, bà là trưởng bộ phận theo dõi Nam Tư. Năm 1952, bà là giám đốc bộ phận giám sát hệ thống vệ tinh Liên Xô và các quốc gia Đông Âu bằng máy tính IBM thế hệ thứ nhất, và đó cũng là chiếc máy tính đầu tiên trên thế giới trong lúc Liên Xô và các quốc gia Đông Âu vẫn truyền tin bằng máy viễn ký (teletype).

Nhớ lại khoảng thời gian này, Moody kể: “Mỗi buổi sáng, các trưởng bộ phận dưới quyền chỉ huy của tôi sẽ lần lượt gặp tôi để trình bày những điểm nổi bật về hoạt động tình báo của ngày hôm trước. Sau đó thông tin sẽ được tập hợp rồi gửi đến NSA, Nhà Trắng, lãnh đạo quốc hội cùng cơ quan tình báo như CIA, tình báo Không quân Hải quân, Lục quân…”.

Năm 1961, Moody trở thành chỉ huy của nhóm G-Group, chịu trách nhiệm giám sát tất cả các hoạt động của NSA gần như ở khắp nơi trên thế giới.

Với cương vị này, bà phát hiện Cuba sử dụng hệ thống vi sóng để bảo mật thông tin khiến NSA và các cơ quan tình báo khác không thể nào thu được tín hiệu mặc dù NSA đã thiết lập các cơ sở chặn tin ở bang Florida, đối diện với Cuba, cũng như sử dụng máy bay cùng 3 tàu mã thám, ngày đêm quần thảo trên trời và ven rìa lãnh hải Cuba.

Moody kể: “Một hôm, Louis Tordella, phó giám đốc NSA đến phòng tôi cùng hai quan chức cấp cao của chính quyền Kennedy. Một trong số đó là Edward Lansdale, trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng. Không chào hỏi gì cả, Edward Lansdale vào đề ngay: “Chúng tôi muốn nghe những gì bà biết về Cuba, cho dù đó là linh cảm hay suy nghĩ hoặc phỏng đoán”.

Trong 9 phút, Moody mô tả cụ thể về việc Liên Xô đang ồ ạt viện trợ quân sự cho Cuba cùng chi tiết đặc biệt nhất là một vị tướng phụ trách lực lượng tên lửa chiến lược của Liên Xô đã đến Cuba.

Điều này phù hợp với thông tin tình báo của quân đội Mỹ, rằng Liên Xô đã chuyển cho Cuba một loạt các tên lửa đất đối không (trong lúc thật sự nó là tên lửa đạn đạo mang đầu đạn hạt nhân).

Phía CIA cũng đã nghe các điệp viên báo cáo về tên lửa nhưng họ vẫn chưa rõ nó là loại nào. Trình bày trước Hội đồng an ninh quốc gia, Giám đốc CIA là John McCone cho rằng Liên Xô bố trí tên lửa đất đối không ở Cuba để ngăn chặn một vụ xâm nhập tương tự như Vịnh Con Lợn.

3. Sáng chủ nhật, ngày 14-10-1962, vào thời điểm mà Moody ra khỏi trụ sở Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) thì một máy bay do thám U2 cất cánh từ căn cứ không quân Edwards, bang California để thực hiện chuyến bay kéo dài 5 giờ đến Cuba. Do sợ bị bắn rơi, phi công chỉ lượn 1 vòng quanh hòn đảo rồi quay lại căn cứ.

Hôm sau, một nhóm chuyên gia tình báo gặp nhau trong tòa nhà Steuart, Washington, là trụ sở bí mật của CIA, chuyên về phân tích hình ảnh để xem xét 928 bức không ảnh do chiếc U-2 chụp trên đất Cuba.

Trong quá trình xem xét, một nhà phân tích là Vince Direnzo nhìn thấy 6 vật thể dài bất thường bị che khuất bởi những tấm vải bạt. Mất vài phút so sánh, Vince Direnzo xác định những vật thể này lớn hơn nhiều so với tên lửa đất đối không của Liên Xô mà người Mỹ đã chụp được trên lãnh thổ Liên Xô.

Gọi cho Moody, Vince Direnzo cùng Moody đối chiếu những bức không ảnh với những tấm hình chụp lễ kỷ niệm ngày Quốc tế lao động 1-5 ở Moscow, khi Liên Xô diễu hành các thiết bị quân sự trên Quảng trường Đỏ.

Không chút đắn đo, Moody lập tức kết luận 6 vật thể phát hiện ở Cuba chính là loại tên lửa đạn đạo SS-4, có thể mang đầu đạn hạt nhân và có tầm bắn xa hơn 2.000km, đủ khả năng tấn công hầu hết các thành phố trên đất Mỹ nếu phóng từ Cuba. Vụ việc càng thêm chắc chắn khi một đại tá quân đội Liên Xô bí mật làm việc cho Cơ quan Tình báo Anh MI-6 và CIA, xác nhận.

Thông tin kinh khủng ấy lập tức được chuyển đến Nhà Trắng. Bất ngờ đối mặt với mối đe dọa chưa từng có, Tổng thống Kennedy ra lệnh cách ly vùng biển Cuba đồng thời yêu cầu không quân, hải quân Mỹ ngăn chặn tất cả mọi hoạt động vận chuyển vũ khí của Liên Xô đến Cuba. Nếu Liên Xô vẫn cố tình thực hiện thì điều đó đồng nghĩa với lời tuyên chiến.

Về phía NSA, giám đốc Gordon Blake thành lập nhóm hành động đặc biệt, làm việc suốt ngày đêm để cập nhật ngay lập tức mọi thông tin liên quan đến việc Liên Xô bố trí tên lửa hạt nhân ở Cuba, do Moody là trưởng nhóm.

Bằng cách giải mã những thông tin vô tuyến, tín hiệu radar, phân tích giao thông hàng hải và dữ liệu vị trí do Hải quân Mỹ cung cấp, nhóm của Moody theo dõi chặt chẽ các tàu chiến, tàu vận tải cùng tàu ngầm vũ trang hạt nhân của Liên Xô khi chúng trên đường từ bắc Đại Tây Dương đến Cuba.

Moody kể: “Một tin quan trọng mà chúng tôi thu được từ căn cứ hải quân Liên Xô tại Odessa, thông báo cho tất cả các tàu Liên Xô rằng họ sẽ nhận lệnh trực tiếp từ Moscow. Điều này có nghĩa là Liên Xô đang lên kế hoạch đánh trả lại lệnh cách ly bờ biển Cuba, hay là một cái gì khác…”.

Và trong khi nghi vấn của Moody chưa có lời giải đáp thì sáng 27-10, các tàu khu trục và tàu sân bay USSRandolph, Mỹ, đã cố gắng ép một tàu ngầm Liên Xô trang bị vũ khí hạt nhân ở ngay bên ngoài vùng cách ly, buộc nó phải nổi lên mặt nước bằng cách cho nổ bom chìm.

Để trả đũa, Liên Xô bắn rơi một máy bay trinh sát U-2 trên bầu trời Cuba, giết chết phi công Rudolf Anderson Jr. Ngòi nổ chiến tranh xem như đã kích hoạt, chỉ chờ lệnh của Tổng thống Kennedy là bắt đầu.

Vì sao cuộc chiến hạt nhân Liên Xô – Mỹ đã không xảy ra? - Ảnh 3.

Một căn cứ tên lửa hạt nhân trên đất Cuba. Ảnh do máy bay U2 chụp.

Nửa đêm 27-10, bộ phận mã thám của Goody thu được tín hiệu của một tàu Liên Xô bỗng dưng đổi hướng. Thay vì đến Cuba, nó quay đầu lại. Tiếp tục theo dõi, Moody nhận thấy hầu hết các tàu khác của Liên Xô đang trên đường đến Cuba cũng giảm tốc độ gần như bằng 0.

Dù đã quá khuya, Moody vẫn điện thoại cho Adlai Stevenson, đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc, người dự kiến sẽ trình bày với Hội đồng Bảo an về cuộc khủng hoảng tên lửa hạt nhân ở Cuba và các biện pháp trả đũa của Mỹ tại phiên họp sẽ diễn ra vào ngày hôm sau.

Trong cuộc nói chuyện, Goody nêu lên quan điểm của mình, rằng có lẽ người Nga không muốn xảy ra chiến tranh nguyên tử. Việc bố trí tên lửa hạt nhân ở Cuba có lẽ chỉ là biện pháp phòng vệ nếu những nhóm lưu vong tiếp tục đổ bộ vào hòn đảo này với quy mô lớn, có sự can dự trực tiếp của lính đánh thuê Mỹ.

Tại Nhà Trắng, Tổng thống Kennedy bị đánh thức lúc 3 giờ sáng. Sau khi nghe các cố vấn an ninh quốc gia trình bày về những gì mà nhóm Moody thu được cũng như ý kiến của bà, sáng 28-10, Kennedy ra lệnh rỡ bỏ các căn cứ tên lửa hạt nhân của Mỹ bố trí trên đất Thổ Nhĩ Kỳ và Italia như một tín hiệu hạ nhiệt, đồng thời cam kết “không can thiệp vào công việc nội bộ, không xâm nhập và không cho phép sử dụng lãnh thổ của mình làm nơi xuất phát tiến hành xâm chiếm Cuba”.

Không lâu sau đó, từ ngày 5 đến ngày 9-11, theo lệnh Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô lúc ấy là Khrushchev, tất cả các địa điểm đặt tên lửa ở Cuba đều cũng được tháo dỡ rồi chuyển về Liên Xô.

Về phía Moody, bà vẫn tiếp tục phục vụ tại NSA cho đến năm 1975, khi vụ Watergate nổ ra (Tổng thống Nixon thuộc đảng Cộng hòa, chỉ đạo NSA nghe lén điện thoại của các nhân vật lãnh đạo đảng Dân chủ), Moody được NSA cử ra điều trần trước Quốc hội Mỹ.

Tại Quốc hội, bà chỉ nói: ““Tôi đã tuyên thệ bảo vệ thông tin tuyệt mật nên sẽ không bao giờ tiết lộ cho những người không có thẩm quyền”.

Hai tháng sau, Moody nghỉ hưu. Từ đó đến lúc qua đời vào năm 2015, ở tuổi 90, Moody vẫn rất kín đáo về những gì bà đã làm. Nếu được ai đó đặt câu hỏi, bà chỉ cười: “Ồ! Tôi chỉ là một phụ nữ quê mùa ở North Carolina mà thôi…”.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại