Hàng trăm người Venezuela cũng đã cung cấp dấu vân tay để xác thực chữ ký của họ trên bản kiến nghị.
Theo luật pháp tại quốc gia này, phe đối lập cần thu thập tối thiểu 200.000 chữ ký, tương đương 1% tổng số cử tri trong danh sách để có thể kêu gọi một cuộc trưng cầu dân ý nhằm lật đổ tổng thống.
Đến nay, ông Vicente Bello- một trong những người vận động thu thập chữ ký- cho biết họ đã thu thập được nhiều hơn hẳn số lượng chữ ký cần thiết đó.
Bước tiếp theo của phe đối lập sẽ là chờ đợi số chữ ký này được xác thực bởi các quan chức bầu cử.
Nếu bước này được thông qua, phe đối lập cần tiếp tục làm một bản kiến nghị thứ hai với chữ ký đồng ý của ít nhất 4 triệu người để có thể chính thức tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý toàn quốc.
Phe đối lập ở Venezuela trước nay vẫn luôn cho rằng chính các chính sách điều hành không hiệu quả của ông Maduro đã dẫn đến lạm phát tràn lan và tình trạng thiếu hụt lương thực và hàng hóa cơ bản tại quốc gia này.
Trước đó, phe đối lập từng thực hiện một cuộc vận động ký tên vào bản kiến nghị hồi tháng 5 và đã thu thập được gần 2 triệu chữ ký nhưng sau đó các quan chức bầu cử đã khẳng định trong số đó có 600.000 chữ ký đã được làm giả.
Còn trong đợt vận động chữ ký lần này, những ai đã ký tên vào bản kiến nghị có thời hạn đến hết ngày 24-6 để đến các trung tâm của Hội đồng Bầu cử quốc gia (CNE) xác nhận chữ ký bằng chứng minh thư và dấu vân tay.
Nhiều người dân đã xếp hàng trong nhiều giờ để cung cấp vân tay xác nhận chữ ký. Anh Felix Rodriguez, một công dân đã xin nghỉ phép để đi xác nhận chữ ký cho biết: “Giá cả tăng từng ngày trong bối cảnh cái gì cũng thiếu thốn”.
Anh chia sẻ rằng trong nhà bếp của mình không còn bột, thịt, sữa và anh không có phụ tùng thay thể để sữa chữa chiếc ô tô của mình.
Để cuộc trưng cầu dân ý thành công, phải có gần 7,6 triệu người bỏ phiếu chống ông Maduro. Ảnh minh họa: AP
Các lãnh đạo phe đối lập mong muốn cuộc trưng cầu dân ý được tổ chức trong năm nay vì đó là thời điểm lý tưởng để thực hiện bước tiếp theo.
Nếu cuộc trưng cầu dân ý được tổ chức trước ngày 1-10 năm sau và kết quả bất lợi cho ông Maduro, khi đó chức vị tổng thống sẽ được bầu cử lại từ đầu.
Nhưng nếu cuộc trưng cầu dân ý được tổ chức sau ngày 1-10, tức là rơi vào giai đoạn 2 năm cuối nhiệm kỳ của ông Maduro, dù kết quả có chống lại ông Maduro thì người thay thế ông cũng sẽ là trợ lý của ông- phó Tổng thống Aristobulo Isturiz.
Ông Maduro đắc cử vào tháng 4 năm 2013 và nhiệm kỳ của ông kéo dài đến năm 2019
* 1% tổng số cử tri trong danh sách cử tri phải ký vào một bản kiến nghị trong vòng 30 ngày để bắt đầu quá trình xin trưng cầu dân ý.
* Số chữ ký trên sẽ phải được xác thực 20% tổng số cử tri (khoảng 4 triệu người) sẽ phải ký một bản kiến nghị thứ hai để tiến hành trưng cầu dân ý.
* Để cuộc trưng cầu dân ý thành công, số người bỏ phiếu chống ông Maduro phải ngang bằng hoặc nhiều hơn số người đã bầu cho ông. Ông đắc cử năm 2013 với 7,587,579 phiếu bầu.