"Vén màn" sức mạnh thực sự của trừng phạt mới Mỹ dành cho Iran

Minh Đức |

Liệu lệnh trừng phạt mới công bố của Washington nhằm vào Nhà lãnh đạo tối cao Iran có làm thay đổi cục diện hiện tại trong căng thẳng giữa hai nước?

Hôm thứ Hai, Tổng thống Donald Trump ký một sắc lệnh áp dụng lệnh trừng phạt mới nhằm vào nhà lãnh đạo tối cao của Iran Ayatollah Ali Khamenei. Cùng lúc, người đứng đầu nước Mỹ cũng kêu gọi giới lãnh đạo Iran đàm phán một thỏa thuận hạt nhân mới nhằm thay thế cho thỏa thuận 2015 mà Washington đã đơn phương rời bỏ vào năm ngoái.

Lệnh trừng phạt được đưa ra vài ngày sau khi Iran bắn hạ một máy bay không người lái của Hải quân Mỹ tại Vịnh Ba Tư. Tối thứ Năm (20/6), ông Trump phát động, nhưng rồi lại bất ngờ hủy bỏ cuộc tấn công tên lửa trả đũa lại Iran.

Tờ Los Angeles Times nhận định, lệnh trừng phạt mới của Washington vào ông Khamenei chỉ mang ý nghĩa biểu tượng hơn là thực tiễn. Ngoài ra, nó cũng cho thấy Mỹ muốn sử dụng áp lực kinh tế hơn là quân sự.

"Sự lựa chọn vũ khí của Trump là kinh tế", Christopher R. Hill, một cựu đại sứ Mỹ từng làm việc tại bốn nước phân tích. "Đó là cách ông ấy muốn tỏ ra cứng rắn và nó khá phù hợp với phong cách của ông ấy. Ông Trump không hề mong muốn chiến tranh [quân sự] mà chỉ quan tâm tới chiến tranh kinh tế".

Phát biểu trước báo giới Tổng thống Mỹ cho hay, mục đích của lệnh trừng phạt là hạn chế nhà lãnh đạo tối cao Iran "tiếp cận với các nguồn lực và hỗ trợ tài chính chủ chốt". Ông cũng cáo buộc ông Khamenei phải "chịu trách nhiệm" cho thái độ thù địch của Iran.

Giới chuyên gia đánh giá, lệnh trừng phạt mới gần như chắc chắn không đem lại một ảnh hưởng đáng kể nào.

Chính quyền Mỹ và Liên Hợp Quốc đã triển khai nhiều biện pháp trừng phạt nhằm "bóp nghẹt" nền kinh tế Iran, trong đó bao gồm các hạn chế lên ngành sản xuất và xuất khẩu dầu của Tehran và nỗ lực ngăn cản các nước khác mua dầu thô từ Iran.

"Đó là một cú đánh biểu tượng" mà không có bất kỳ ảnh hưởng gì, Jamal Abdi, Chủ tịch Hội đồng Mỹ-Iran nói.

Thông thường, lệnh trừng phạt sẽ cắt đứt tiếp cận của một người với những tài sản ở Mỹ, nhưng ông Khamenei được cho là hiện không sở hữu tài sản nào như vậy. Chính phủ Iran vận hành hầu hết bên lề các hệ thống tài chính toàn cầu phổ biến mà Mỹ có thể kiểm soát.

"Nhà lãnh đạo Khamenei không đi du lịch nước ngoài và không có tài khoản ngân hàng mang tên mình", Farshad Qourbanpour, một nhà phân tích tại Tehran chỉ ra. "Đây chỉ là đòn tâm lý mà thôi".

Theo Qourbanpour, nếu có điều gì phải chịu tác động thì đó là các khoản tài trợ từ cộng đồng người Shiite ở nước ngoài dành cho văn phòng ông Khamenei.

Giới phân tích cũng lưu ý, cho tới này, các lệnh trừng phạt của Mỹ dường như mới chỉ đang "chọc tức" chính phủ Cộng hòa Hồi giáo. Bên cạnh vụ bắn hạ máy bay không người lái, Washington còn cáo buộc Iran tấn công các tàu chở dầu ở Vịnh Ba Tư. Tuy nhiên, Tehran kiên quyết phủ nhận.

Trong một cuộc họp báo khác tại Nhà Trắng, Bộ trưởng Tài chính Steven T. Mnuchin cho hay, lệnh trừng phạt cũng nhằm vào 5 tướng lĩnh hải quân Iran, được cho là đã tiến hành vụ tấn công máy bay không người lái. Ngoài ra, Ngoại trưởng Iran Javad Zarif cũng bị đưa vào danh sách đen.

Theo ông Mnuchin, lệnh trừng phạt mới sẽ "khóa chặt hàng tỷ USD" tài sản của Iran.

Los Angeles Times nhận định, trong khi Tổng thống Trump đề cập tới mong muốn nói chuyện với giới lãnh đạo Iran, việc ông Zarif xuất hiện trong danh sách đen của Washington – đem tới các thông điệp đối lập.

"Những người ủng hộ động thái này có mục tiêu rõ ràng: khiến ngoại giao giữa Washinton và Tehran trở nên bất khả thi", Ellie Geranmayeh, một học giả cấp cao tại Hội đồng đối ngoại châu Âu nhấn mạnh. "Đề nghị thương lượng của ông Trump trở nên không thành thật nếu quan chức ngoại giao hàng đầu Iran bị trừng phạt".

Đáp trả lại, hôm thứ Hai, Ngoại trưởng Zarif viết trên Twitter rằng, một vài quan chức trong chính quyền Trump đang "khát chiến tranh".

Căng thẳng giữa Washington và Tehran bắt đầu leo thang sau khi ông Trump rút khỏi thỏa thuận hạt nhân 2015 bất chấp Iran khẳng định mình vẫn tuân theo các điều khoản của thỏa thuận.

Cuối tuần qua, Ngoại trưởng Mỹ Michael R. Pompeo đã có chuyến công du tới khu vực để tìm kiếm sự ủng hộ cho chiến dịch của Washington chống lại Iran.

Hôm thứ Hai (24/6), ông Pompeo đã gặp gỡ các Vua Salman và Hoàng Thái tử Mohammed bin Salman của Arab Saudi. Bộ Ngoại giao Mỹ ra thông cáo, hai bên đã đồng ý "đối phó với mối đe dọa Iran trong khu vực và bắt chính quyền Iran phải chịu trách cho hành vi thâm hiểm của mình".

Phát biểu trước báo giới trước khi ông Pompeo rời Riyadh tới Abu Dhabi, một quan chức cấp cao Mỹ đã vạch ra các bước để mở rộng an ninh hàng hải tại Vịnh Ba Tư.

Theo ông, Mỹ không có kế hoạch giương cờ Mỹ trên các tàu phương Tây tại Vùng Vịnh – điều có thể giúp các tàu này nằm trong sự bảo hộ của hải quân Mỹ.

Thay vào đó, Mỹ và các đồng minh sẽ mở rộng hoạt động tình báo và giám sát trong khu vực.

Quan chức này nhấn mạnh, mục tiêu đặt ra là "xây dựng một liên minh để ngăn ngừa những gì người Iran đang làm ở Vùng Vịnh khiến tự do thương mại và di chuyển bị phá hoại".

"Những gì mà người Iran đang làm như bắn hạ máy bay không người lái của Mỹ, bắn hạ các máy bay khác thậm chí là không hoạt động tại Vùng Vịnh…, là nhằm ngăn cản chúng tôi [Mỹ] theo dõi họ", quan chức Mỹ kết luận.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại