Nhóm khoa học gia đứng đầu bởi nhà tinh thể học Stanislav Filatov từ Đại học St Petersburg đặt tên cho loại vật chất mới là petrovite. Nó được xác định là một khối khoáng chất có cấu trúc vỏ dạng tinh thể với kết cấu phân tử chưa từng thấy trên Trái Đất: nguyên tử đồng có sự phối hợp bất thường với 7 nguyên tử oxy.
Khoáng chất màu xanh lơ tuyệt đẹp được tìm thấy trên đỉnh núi lửa - Ảnh: ĐẠI HỌC ST PETERBURG
Các mẫu vật được thu thập từ năm 2020, nhưng cuộc nghiên cứu kéo dài cho đến nay mới gặt hái được kết quả. Bên trong lớp vỏ tinh thể màu xanh lơ mê hoặc là một vật liệu pyroclastic mịn.
Các thử nghiệm đầy khó khăn cuối cùng đã tiết lộ vật chất kỳ diệu này được hình thành thông qua sự kết tủa trực tiếp với khí núi lửa. Vụ phun trào khủng khiếp năm 1975 có thể chính là "lò luyện" nên loại vật chất mới này. Vào năm 2012-2013, núi lửa này bất ngờ "sống dậy" lần nữa và cho đến nay, nó vẫn được xếp loại là một núi lửa đang hoạt động, một "hỏa ngục" đáng gờm của Trái Đất.
Khung phân tử của khoáng chất bao gồm sự phối hợp kỳ dị của oxy, lưu huỳnh, natri và đồng, rất xốp, có các con đường liên kết giúp các ion natri có thể di chuyển linh hoạt qua cấu trúc. Do đó, nó được kỳ vọng được phát triển thành một vật liệu đặc biệt phục vụ cho việc chế tạo pin và các thiết bị điện cao cấp.
Màu xanh lơ tuyệt đẹp là do sự hiện diện dồi dào của nguyên tố đồng. Các khoáng chất chứa đồng khác trên Trái Đất cũng mang màu xanh.
Nhóm nghiên cứu tiết lộ họ đang dự định tạo ra petrovite trong phòng thí nghiệm. Nghiên cứu vừa công bố trên tạp chí khoa học Mineralogical.