Giai điệu tự hào được thực hiện trên cơ sở Việt hóa format chương trình truyền hình Tài sản quốc gia – chương trình nổi bật nhất, đạt được nhiều thành công vang dội trong vòng 4 năm qua (từ năm 2009-2013) của lịch sử truyền hình Nga.
Mỗi số phát sóng là một lát cắt của một thập niên. Từ ký ức của lịch sử âm nhạc nói riêng, bức tranh lịch sử, đời sống, văn hóa xã hội cũng được khắc họa rõ nét.
Nhà báo Hữu Thọ sẽ là khách mời tham gia bình luận về chương trình.
Ở Nga, Tài sản quốc gia không đơn thuần là một chương trình ca nhạc làm mới các ca khúc đã cũ, điều đặc biệt nhất nằm ở phần tọa đàm của các vị khách mời bình luận thuộc hai thế hệ đối lập. Sau mỗi tiết mục biểu diễn, họ chia sẻ những quan điểm cá nhân về bài hát, về ký ức văn hóa xã hội.
Bởi có những trải nghiệm và quan điểm khác nhau nên các cuộc đối thoại, phản biện lúc tương đồng, khi lại mâu thuẫn đến nảy lửa.
Tại Việt Nam, 2 hội đồng bình luận được phân chia rõ ràng. Hội đồng bình luận cao niên – trung niên bao gồm: Nhà báo Hữu Thọ - Nguyên Trưởng ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương; Giáo sư – NSND Trung Kiên; Giáo sư Văn Như Cương; Giáo sư – Bác sĩ – Nhà giáo Nhân dân Trần Quán Anh; Đạo diễn Đặng Nhật Minh ; Diễn viên Minh Châu; Nhà thơ – Nhạc sĩ Thụy Kha; Nhà văn Trần Thị Trường.
Hội đồng bình luận trẻ tuổi bao gồm: Nhà văn Trang Hạ; Nhạc sĩ Trần Lập; Bác sĩ Tăng Hà Nam Anh; Kiến trúc sư Nguyễn Hoàng Phương; Nhà báo Quỳnh Hương; Nhà báo Ngô Bá Lục; Nhạc sĩ Dương Cầm; MC Danh Tùng; Ca sĩ Minh Quân; Diễn viên Diệu Hương.
Đây có lẽ chương trình đầu tiên ở Việt Nam sẽ không có bất kỳ giới hạn nào trong việc đối thoại giữa hai thế hệ khán giả, để họ có quyền bộc lộ quan điểm cá nhân: thích hay không thích, sự liên hệ của ca khúc với bối cảnh lịch sử, văn hoá, chính trị...
Diễn viên Minh Châu.
Chương trình được phát sóng vào thứ 7 cuối cùng hàng tháng trên VTV1. Số phát sóng đầu tiên có chủ đề “Bài ca năm tấn” gồm các ca khúc: Cô thợ hàn (Đàm Vĩnh Hưng thể hiện); Tôi là người thợ lò – NSND Quang Thọ; Những ánh sao đêm – Đức Tuấn và băng âm thanh của NSND Quốc Hương; Bài ca năm tấn – Tân Nhàn; Quảng Bình quê ta ơi – Ca nương Kiều Anh cùng Tốp chèo
Ý tưởng mang chương trình về Việt Nam bắt nguồn từ Ban lãnh đạo Đài truyền hình Việt Nam. Tháng 9/2013, đại diện lãnh đạo Đài Truyền hình Việt Nam đến khảo sát trực tiếp trường quay tại Mát–xcơ–va. Tháng 10/2013, quá trình mua format hoàn tất, dự án được chính thức khởi động.
Giai điệu tự hào có tổ chức bình chọn nhưng trên hết đó không phải là cuộc thi, cuộc đua thắng – thua như những sân chơi ca nhạc khác. Tất cả các tác phẩm xuất hiện trong Chương trình đều là những tác phẩm kinh điển, mang đậm giá trị âm nhạc, nhân văn sâu sắc.