Cùng là chức danh Phó Chủ tịch VFF, bầu Đức phải hoàn thành nhiệm kỳ 7 mới được từ chức nhưng với ông Cấn Văn Nghĩa chỉ 6 tháng là đủ.
Năm 2017, sau khi U22 Việt Nam dưới sự dẫn dắt của HLV Hữu Thắng bị loại khỏi vòng bảng SEA Games 29, bầu Đức đã giữ đúng lời hứa xin rút khỏi chức danh Phó Chủ tịch VFF.
Trước đó, ông tuyên bố nếu lứa cầu thủ U22 Việt Nam với nòng cốt là quân HAGL không giành huy chương vàng SEA Games sẽ xin từ chức, kể cả một số lãnh đạo VFF cũng nên nghỉ luôn.
Thường trực VFF đã đưa vấn đề này ra cuộc họp Ban chấp hành VFF. Kết quả bỏ biếu với tuyệt đại đa số không đồng ý để bầu Đức từ chức nên ông phải ở lại VFF đến hết nhiệm kỳ 8 kéo dài đến tháng 12.2018 mới được rút lui.
Ngày VFF tiến hành Đại hội khoá 8, bầu Đức cũng vắng mặt bởi nhiều lý do khác nhau, trong đó có cả scandal liên quan đến tiêu chí các ứng viên chủ chốt phải có “bằng đại học” nhắm vào ông.
Việc Ban chấp hành VFF không thông qua việc bầu Đức nghỉ cũng dễ hiểu. Bởi với những gì ông đã đóng góp cho bóng đá Việt Nam, việc U22 Việt Nam thất bại ở SEA Games không phải vấn đề liên quan trực tiếp đến một Phó Chủ tịch phụ trách tài chính và vận động tài trợ.
Hơn nữa, với một người có tầm ảnh hưởng như ông Đức, việc từ chức và nhận trách nhiệm vì một thất bại của U22 Việt Nam thời điểm đó cũng được xem là không hợp lý. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến danh dự của cá nhân mà còn cả hệ luỵ cho chính VFF và các cầu thủ trẻ.
Bầu Đức (trái) khi còn là Phó Chủ tịch VFF. Ảnh: TL
Việc HLV Hữu Thắng từ chức sau thất bại ngay trong phòng họp báo cũng là điều đã vượt khỏi tầm kiểm soát của VFF. Sau này, một lãnh đạo VFF có chia sẽ rằng, chính Thường trực VFF cũng không thực sự hài lòng khi HLV Hữu Thắng chưa có trao đổi, thông qua mà lại nói trực tiếp trước truyền thông như vậy và để lại những hệ luỵ không tốt.
Bây giờ, đến lượt Phó Chủ tịch VFF Cấn Văn Nghĩa đệ đơn từ chức khi vừa mới trúng cử tại Đại hội khoá 8 được 6 tháng. Cuộc họp Thường trực VFF đã ngay lập tức thống nhất đồng ý để ông Nghĩa từ chức trong buổi sang 25.6.
Ngay sau đó, Ban Tổng thư ký đã lấy ý kiến Ban chấp hành VFF và mất chưa đầy nửa ngày, đại đa số đồng ý. Có người nói vui, việc thống nhất đề ông Nghĩa từ chức còn nhanh và đơn giản hơn cách mà Đại hội VFF cách đây 6 tháng bầu ông vào vị trí Phó Chủ tịch.
Theo lý do ông Nghĩa từ chức được Chủ tịch VFF Lê Khánh Hải công bố vì lý do sức khoẻ, không thể cùng lúc đảm nhận công việc tại Hiệp hội thể thao dưới nước và VFF.
Chính vì thế, ông đã rút lui để chuyên tâm cho công việc tại Hiệp hội thể thao dưới nước. Nếu chiểu theo điều này thì có thể thấy, những gì ông Nghĩa từng hứa khi đắc cử là "nói cho vui". Và chính những thành viên VFF cũng nên xem lại trách nhiệm, với lá phiếu tín nhiệm của mình.
Ông Cấn Văn Nghĩa đã xin từ chức. Ảnh: VFF
Nhưng điều đáng nói ở đây là cách mà các Ủy viên Ban chấp hành VFF đồng ý để ông Nghĩa nghỉ như thể đã chuẩn bị sẵn sàng cho một cuộc chia tay. Ở đây, không có ai mặn mà giữ ông lại thì phải chăng, những lá phiếu tín nhiệm cách đây 6 tháng có vấn đề? Hoặc ông Nghĩa buộc phải từ chức vì những lý do khác ngoài vấn đề sức khoẻ như VFF thông báo?
Đến đây, nhiều người dẫn lại những sai phạm mà Khu LHTTQG Mỹ Đình dưới thời ông Nghĩa làm Giám đốc đang bị Thanh tra Chính phủ thanh tra toàn diện, đó có thể là nguyên nhân chính dẫn đến việc ông Nghĩa sớm rời VFF mà không có chút níu kéo.
VFF gần như nhiệm kỳ nào cũng có lãnh đạo xin từ chức, thế nhưng không phải cuộc rút lui nào cũng được hoan nghênh. Như bầu Đức, đó là cuộc chia tay mà rõ ràng bóng đá Việt Nam không mong muốn. Còn với Phó Chủ tịch Cấn Văn Nghĩa, giá như đừng ra tranh cử tại Đại hội VFF thì có lẽ không có ngày chia tay đã được dự báo như thế này.