Vẫn bế tắc nhưng OPEC đang thấy "ánh sáng cuối đường hầm"

Khương Duy |

Đàm phán thất bại nhưng đã thành công khơi dậy lại lòng tin của thị trường rằng Ả rập tận tâm muốn cứu OPEC.

Trong cuộc họp OPEC ngày hôm qua, Ả rập xê út đã tuyên bố sẽ tự giác hạn chế sản lượng dầu mỏ ngay cả khi OPEC thất bại trong việc đạt thỏa thuận chung.

Lâu nay OPEC đã liên tiếp đi qua những vòng đàm phán thất bại mà nguyên nhân chính là do mối bất đồng giữa hai quốc gia Ả rập xê út và Iran.

Ở cuộc họp lần này, Iran kiên quyết không cắt giảm sản lượng, cho rằng đó là điều không thể khi mà nước này vừa mới trở lại thị trường dầu mỏ sau nhiều năm bị cấm vận. Thậm chí Iran còn phải tăng sản lượng để bù đắp những thiếu hụt trong thời gian qua.

Căng thẳng giữa Vương quốc Hồi giáo Sunni và nước Cộng hòa Hồi giáo Shiite từ lâu vẫn là chủ đề nóng bỏng trong những cuộc họp OPEC. Cách đây không lâu, đàm phán thất bại tại Doha hồi tháng 12/2015 cũng không phải ngoại lệ.

Khi đó, chính Ả rập đã nhấn chìm kế hoạch đóng băng sản lượng toàn cầu với luận điệu cho rằng chỉ khi nào Iran tham gia thì nước này mới đồng ý ký tên vào bản thỏa thuận. Đàm phán Doha bao gồm cả những quốc gia không thuộc OPEC như Nga.

Căng thẳng giữa Ả rập và Iran trong cuộc họp hôm qua đã bất ngờ dịu đi do sự xuất hiện của tân Bộ trưởng dầu mỏ Ả rập – Khalid al-Falih. Ông bày tỏ thiện ý của Ả rập mong muốn hàn gắn những rạn nứt bấy lây nay trong OPEC. Mà thực ra chẳng có rạn nứt nào ngoài căng thẳng Iran - Ả rập.

Cuối cùng một biện pháp hòa giải hiếm hoi được đưa ra. OPEC đồng thuận quyết định bổ nhiệm Bộ trưởng dầu mỏ Nigeria Mohammed Barkindo làm tân tổng thư ký OPEC để giải giải quyết mâu thuẫn sau nhiều năm.

Ả rập và các đồng minh vùng vịnh đã cố gắng thuyết phục OPEC để thiết lập một mức trần sản lượng chung nhằm nỗ lực cải thiện vị thế đang suy giảm của nhóm. Tuy nhiên cuộc họp đã kết thúc mà một lần nữa lại không đạt được thỏa thuận nào do phiếu chống từ Iran.

Ả rập xê út đã sẵn sàng ngồi lại với những người “anh em” của mình trong nhóm OPEC để hàn gắn rạn nứt đã chia rẽ nhóm bấy lâu nay và bàn về một mức sản lượng mục tiêu dầu mỏ mới. Nhưng “người em” Iran vẫn cương quyết chống lại lời “anh lớn”.

Trả lời phỏng vấn báo chí, Bộ trưởng dầu mỏ Iran cho rằng: “OPEC sẽ không có quyền hành gì nếu không có hạn ngạch sản lượng.” Ông khẳng định Iran yêu cầu mức hạn ngạch dựa vào mức sản lượng trong lịch sử là 14,5% tổng sản lượng dầu OPEC.

"Đàm phán hòa thuận" có lẽ là một cụm từ quá xa xỉ đối với OPEC. Theo Gary Ross – sáng lập viên công ty tư vấn PIRA, OPEC không thể đạt được một thỏa thuận hòa bình cho thấy khác biệt chính trị đang ăn mòn tổ chức này.

Những ít ra có một tia hi vọng đang le lói. Amrita Sen giám đốc phân tích dầu mỏ tại công ty tư vấn Energy Aspects nhận định: “Đàm phán thất bại nhưng đã thành công khơi dậy lại lòng tin của thị trường rằng Ả rập tận tâm muốn cứu OPEC. 3 ngày trước, thị trường vẫn còn cho rằng ông Falih (Ả rập) sẽ bước ra khỏi cuộc họp không thương tiếc.”

Falih là Bộ trưởng đầu tiên đặt chân đến Vienna trong tuần này cho thấy ông thật sự quan tâm đến cuộc họp thay vì nhiều thành viên OPEC cho rằng ông Falih sẽ bỏ bê thỏa thuận về mức sản lượng chung cho OPEC.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại