1. Ung thư - Căn bệnh gây ra tử vong hàng đầu và những loại ung thư thường gặp
Theo số liệu mới nhất cập nhật trên website của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vào ngày 21/9/2021:
Ước tính 70% trường hợp tử vong do căn bệnh ung thư xảy ra ở các quốc gia thu nhập thấp và trung bình. Những căn bệnh viêm nhiễm dẫn tới ung thư, chẳng hạn như viêm gan và HPV chiếm tới 30% trường hợp ung thư ở các quốc gia thu nhập thấp và trung bình thấp. Phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn, không được chẩn đoán và điều trị sớm khá phổ biến đặc biệt ở các quốc gia thu nhập thấp và trung bình.
Điều trị toàn diện hiện áp dụng tại hơn 90% các quốc gia thu nhập cao nhưng chưa đến 15% ở các quốc gia thu nhập thấp. Hậu quả về mặt kinh tế do căn bệnh ung thư gây ra tốn kém và ngày càng tăng lên. Tổn thất kinh tế do căn bệnh ung thư gây ra vào năm 2010 ước tính vào khoảng 1.160 tỷ USD.
Phát hiện ung thư ở giai đoạn muộn khiến tiên lượng bệnh xấu hơn, điều trị tốn kém hơn
Ung thư là nguyên nhân hàng đầu gây ra tử vong trên toàn thế giới. Năm 2020, căn bệnh ung thư cướp đi sinh mạng của gần 10 triệu người trên toàn cầu.
Các dạng ung thư thường gặp gồm:
Ung thư vú Ung thư phổi Ung thư đại tràng /trực tràng Ung thư tuyến tiền liệt Ung thư da Ung thư dạ dày
Phổ biến nhất trong năm 2020 (xét về số ca mắc mới toàn cầu) là:
Ung thư vú – 2,26 triệu ca Ung thư phổi – 2,21 triệu ca Ung thư đại tràng/trực tràng – 1,93 triệu ca Ung thư tuyến tiền liệt – 1,41 triệu ca Ung thư da (Không có khối u hắc tố) – 1,2 triệu ca Ung thư dạ dày – 1,09 triệu ca
Loại ung thư phổ biến nhất gây ra tử vong trên thế giới trong năm 2020 là :
Ung thư phổi – 1,8 triệu trường hợp tử vong Ung thư đại tràng/trực tràng – 935.000 tử vong Ung thư gan – 830.000 tử vong Ung thư dạ dày – 769.000 tử vong Ung thư vú – 685.000 tử vong
Chụp nhũ ảnh/chụp X-quang tuyến vú (Mammography) tầm soát ung thư vú
2. Những nguyên nhân gây ra bệnh ung thư
Ung thư xảy ra do các tế bào bình thường bị đột biến và phát triển xâm lấn thành các tế bào khối u, tiến triển từ một tổn thương tiền ung thư thành khối u ác tính.
Ngoài yếu tố di truyền, một số tác nhân bên ngoài có thể dẫn tới đột biến tế bào và gây ra ung thư:
- Tác nhân vật lý: Tia cực tím và bức xạ ion hóa
- Tác nhân hóa học: Các chất hóa học có khả năng gây ra ung thư như amiăng, các thành phần trong khói thuốc lá, độc tố vi nấm Aflatoxin (do thực phẩm bị nấm mốc), ngộ độc arsenic (ở một số nơi nguồn nước bị nhiễm arsenic).
- Tác nhân sinh học: do nhiễm một số loại virus, vi khuẩn, ký sinh trùng có thể trở thành tiền đề hay yếu tố nguy cơ dẫn đến ung thư. Chẳng hạn như một số người bị ung thư gan do nhiễm virus viêm gan B, nhiễm HPV là yếu tố nguy cơ dẫn tới ung thư cổ tử cung.
Nguy cơ bệnh ung thư cũng tăng lên theo tuổi tác. Do tuổi tác càng cao, thì cơ thể càng tích lũy các tác nhân ung thư theo thời gian. Ngoài ra, tuổi càng cao, cơ thể càng lão hóa thì khả năng sửa chữa tế bào, đào thải các tế bào đột biến càng kém hơn.
Hút thuốc lá , uống rượu, chế độ ăn không lành mạnh, lười hoạt động thể chất, ô nhiễm không khí là các yếu tố nguy cơ dẫn tới ung thư (và các bệnh không lây nhiễm khác).
Một số bệnh truyền nhiễm mạn tính cũng là yếu tố nguy cơ dẫn đến ung thư. Đây là vấn đề đặc biệt nghiêm trọng ở các quốc gia thu nhập thấp và trung bình. Xấp xỉ 13% trường hợp ung thư chẩn đoán toàn cầu năm 2018 là do nhiễm các loại virus, vi khuẩn có thể trở thành yếu tố nguy cơ ung thư.
Chẳng hạn như, nhiễm vi khuẩn HP (Helicobacter pylori ) gây ra bệnh viêm dạ dày có thể dẫn đến ung thư dạ dày. Nhiễm virus HPV (Human papillomavirus) gây viêm nhiễm cổ tử cung có thể dẫn đến ung thư cổ tử cung. Nhiễm virus viêm gan B và viêm gan C có thể trở thành yếu tố nguy cơ dẫn đến ung thư gan.
Nhiễm virus HIV làm hệ miễn dịch suy giảm, cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư, đặc biệt là ung thư cổ tử cung.
Chế độ ăn uống lành mạnh, nhiều rau xanh, hoa quả góp phần phòng ngừa ung thư
3.Để phòng ngừa bệnh ung thư, bạn cần phải làm ngay những điều sau
- Không hút thuốc lá
- Duy trì cân nặng khỏe mạnh
- Chế độ ăn lành mạnh, nhiều rau hoa quả.
- Tập thể dục thường xuyên đều đặn.
- Hạn chế sử dụng đồ uống có cồn.
- Tiêm phòng HPV và viêm gan B nếu bạn thuộc nhóm khuyến cáo tiêm phòng.
- Tránh bức xạ tia cực tím (do phơi nắng hay các thiết bị làm rám nắng nhân tạo).
- Đảm bảo an toàn và sử dụng phóng xạ phù hợp trong y tế (dùng cho mục đích chẩn đoán, trị liệu).
- Giảm thiểu phơi nhiễm bức xạ ion hóa
- Tránh tiếp xúc với ô nhiễm không khí trong nhà hay ngoài trời, trong đó có radon (chất phóng xạ do quá trình phân hủy uranium tự nhiên gây ra, có thể tích tụ tại các tòa nhà bao gồm nhà ở, trường học và nơi làm việc).
4.Tầm soát, chẩn đoán, phát hiện sớm ung thư
Khoảng 30-50% trường hợp ung thư có thể ngăn ngừa nhờ vào việc giảm yếu tố nguy cơ và các chiến lược phòng ngừa ung thư dựa vào bằng chứng. Gánh nặng do căn bệnh ung thư có thể giảm nhẹ thông qua phát hiện sớm, chăm sóc và điều trị phù hợp.
Nhiều căn bệnh ung thư có cơ hội chữa khỏi nếu chẩn đoán sớm và điều trị phù hợp. Tử vong do ung thư có thể giảm nếu được tầm soát và điều trị sớm.
- Chẩn đoán ung thư
Khi được chẩn đoán sớm, bệnh ung thư nhiều khả năng đáp ứng điều trị, khả năng sống sót cao hơn, điều trị đỡ tốn kém hơn. Những tiến bộ trong điều trị ung thư góp phần cứu sống bệnh nhân, đặc biệt nhờ tầm soát sớm và tránh điều trị muộn.
- Tầm soát ung thư
Tầm soát phát hiện sớm ung thư nhằm để chẩn đoán sớm bệnh ung thư hoặc dấu hiệu tiền ung thư trước khi bệnh tiến triển. Khi những bất thường được phát hiện thông qua kết quả xét nghiệm, siêu âm, chiếu chụp, sẽ phải làm thêm nhiều xét nghiệm khác để tiến hành chẩn đoán và điều trị sớm, nếu mắc bệnh.
Các chương trình tầm soát hiệu quả đối với một số loại ung thư. Tuy nhiên, không phải tất cả mọi loại ung thư đều có thể phát hiện chỉ qua tầm soát, bởi nhiều căn bệnh ung thư để chẩn đoán rất phức tạp cần thiết bị đặc biệt và đội ngũ bác sĩ chuyên môn chuyên biệt.
Xét nghiệm PAP tầm soát ung thư cổ tử cung
Bệnh nhân được lựa chọn tầm soát ung thư có thể dựa trên độ tuổi, các yếu tố nguy cơ. Các phương pháp tầm soát phát hiện sớm ung thư phổ biến gồm:
Xét nghiệm HPV để phát hiện Ung thư cổ tử cung Xét nghiệm tế bào học PAP đối với Ung thư cổ tử cung. Khám bằng mắt thường kết hợp với xét nghiệm acetic acid (VIA) trong sàng lọc ung thư cổ tử cung. Chụp nhũ ảnh/chụp X-quang tuyến vú (mammography) trong tầm soát ung thư vú. 5. Điều trị ung thư
Chẩn đoán ung thư chính xác là điều cần thiết để điều trị hiệu quả, bởi mỗi loại ung thư cần phác đồ điều trị chuyên biệt. Các phương pháp điều trị ung thư thông thường bao gồm hóa trị, xạ trị và phẫu thuật. Xác định mục tiêu điều trị là bước quan trọng đầu tiên.
Mục tiêu chủ yếu là chữa khỏi bệnh ung thư hoặc kéo dài sự sống. Cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh cũng là một tiêu chí quan trọng, trong đó có việc nâng cao sức khỏe thể chất, tinh thần, tâm lý người bệnh và chăm sóc giảm đau cho bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối.
Một số loại ung thư thường gặp nhất như ung thư vú, ung thư cổ tử cung, ung thư miệng, ung thư đại trực tràng có tỷ lệ khỏi bệnh cao khi được tầm soát sớm và điều trị theo cách tốt nhất.
Một số loại ung thư khác như u biểu mô tinh hoàn, một số loại bệnh bạch cầu và ung thư hạch (u lympho) ở trẻ em cũng có tỷ lệ chữa khỏi cao nếu được điều trị thích hợp ngay cả khi tế bào ung thư đã xuất hiện ở một số nơi khác trên cơ thể.