BS Trần Văn Phúc – Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, Hà Nội cho biết biết ung thư đại trực tràng là 1 trong các bệnh ung thư đường tiêu hoá phổ biến ở Việt Nam, hiện có 4 phương pháp để phát hiện bệnh sớm.
Ung thư đại trực tràng: Những ai cần sàng lọc sớm?
Để phát hiện sớm thì phải khám sàng lọc ung thư đại trực tràng. BS Phúc cho biết ung thư đại trực tràng khi có triệu chứng thì đã muộn, nên bác sĩ vẫn khuyên những người dưới 40 tuổi nên khám sàng lọc ung thư đại trực tràng 3 năm một lần, trên 40 tuổi khám sàng lọc hàng năm.
Thứ nhất, phương pháp đầu tiên là nội soi đại trực tràng. Nếu lần soi sàng lọc đầu tiên không phát hiện tổn thương đại tràng và không có yếu tố nguy cơ, thì sau 10 năm mới cần soi lại.
Có một số người soi đại trực tràng hàng năm, thậm chí vài tháng soi một lần, không cần thiết phải như vậy. Một trong những hạn chế của soi đại trực tràng là có thể không phát hiện được những tổn thương ung thư quá nhỏ, nên bác sĩ sẽ bổ sung bằng phương pháp sàng lọc khác.
Thứ hai, xét nghiệm ADN trong phân. Xét nghiệm này sử dụng mẫu phân để tìm kiếm những đoạn gen ADN ung thư, cho phép phát hiện ung thư giai đoạn sớm, thậm chí tiền ung thư.
Thứ ba, xét nghiệm máu ẩn trong phân (Fecal Occult Blood Test – FOBT) hoặc xét nghiệm hóa miễn dịch trong phân (Fecal Immunochemical Test - FIT). Phương pháp này đơn giản, dễ thực hiện, giá rẻ nên được sử dụng sàng lọc hàng năm.
Thứ tư, chụp CT Scanner bằng kĩ thuật nội soi đại trực tràng ảo. Kĩ thuật này có hạn chế là không phát hiện được tiền ung thư và dễ bỏ sót tổn thương nhỏ, phải thực hiện trên máy có cấu hình chụp nội soi ảo, cũng cần phải làm sạch đại tràng và bơm hơi.
Lựa chọn phương pháp sàng lọc nào phù hợp, bác sĩ cần căn cứ trên từng cá nhân cụ thể để tư vấn, sau đó mới quyết định.
Người dân cần xem xét 4 điều kiện sau, nếu có từ 2 điều kiện trở lên thì hãy đi khám sàng lọc ung thư đại trực tràng càng sớm càng tốt.
BS Phúc cho biết những người nên sàng lọc ung thư đại trực tràng là: người trên 30 tuổi chưa từng khám sàng lọc ung thư đại trực tràng; Thường txuyên khó chịu đường tiêu hóa, tiêu chảy, táo bón, phân ra máu; gia đình có người đã bị ung thư đại trực tràng.
Bản thân có tiền sử ung thư hoặc các bệnh đường tiêu hóa, tiền sử có polyp đường ruột, đặc biệt là polyp tân sinh, có liên quan mật thiết đến sự xuất hiện của ung thư đại trực tràng.