Ukraine muốn triển khai đạn DPICM với hệ thống HIMARS
Dan Rice, cựu cố vấn cho Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Ukraine, đang thúc đẩy việc mở rộng kho vũ khí gồm bom, đạn chùm của Ukraine, kêu gọi các nhà lập pháp Mỹ chấp thuận việc chuyển giao tên lửa M26 có đạn dược thông thường cải tiến đa dụng (DCIPM) để trang bị cho hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao HIMARS.
Bom chùm. Ảnh: Alamy
DPICM là thuật ngữ chỉ chung nhiều loại đạn pháo và tên lửa mang đạn con, với thiết kế tương đồng nhau. DPICM được phát triển từ dòng đạn thông thường cải tiến (ICM). DPICM có thể đối phó cả xe thiết giáp và khí tài bình thường, tuy nhiên mục tiêu chính của đạn chùm vẫn là bộ binh.
Đạn chùm thường được phóng từ pháo hoặc tên lửa. Chúng có kích thước lớn, chứa lượng lớn đạn con được phát tán khi đến gần mục tiêu.
DPICM có khả năng sát thương trên diện rộng tùy thuộc từng phiên bản. Một tên lửa M26 cỡ 227mm phóng từ hệ thống HIMARS có thể chứa 644 quả đạn con M77 và phát tán chúng trên vòng tròn bán kính 200m.
Đối với quân đội Ukraine, các hệ thống pháo binh nước này được phương Tây viện trợ hoàn toàn có thể triển khai đạn DPICM.
“Nếu Ukraine có 2.000 tên lửa được trang bị đạn chùm, tôi nghĩ diễn biến cuộc xung đột sẽ thay đổi”, ông Rice nói với Newsweek.
Theo ông Rice, các tên lửa M26 kèm theo DCIPM sẽ cho phép quân đội Ukraine ngăn chặn pháo binh Nga, mối đe dọa lớn nhất trên chiến trường cản trở các đơn vị Ukraine vượt qua tuyến phòng thủ Nga.
Quân đội Nga hiện cũng sở hữu lực lượng pháo binh đông đảo với số lượng 13-14.000 khẩu pháo các loại, có tầm bắn từ vài km tới hàng chục và thậm chí là hàng trăm km. Pháo binh Nga được coi là “xương sống” trong chiến dịch quân sự đặc biệt của nước này ở Ukraine. Các lực lượng Ukraine hiện đang nỗ lực tìm kiếm các điểm yếu trong tuyến phòng thủ của Nga.
“Nếu lực lượng Ukraine cố gắng phá vỡ tuyến phòng thủ của Nga với những bãi mìn dày đặc, họ sẽ phải di chuyển từng chút một. Trong khi đó, đang có hàng nghìn khẩu pháo của Nga sẵn sàng khai hỏa mọi lúc”, ông Rice cho hay.
Chuyên ra Rice cho biết thêm, DCIPM được trang bị vào hệ thống HIMARS có thể được sử dụng ngay lập tức trên chiến trường mà không cần huấn luyện binh sĩ. “Chúng được bắn từ các hệ thống HIMARS và hệ thống tên lửa phóng loạt M270 mà Ukraine đã có”.
Bom, đạn chùm hoạt động như thế nào trên chiến trường Ukraine?
Trong gói viện trợ quân sự vào đầu tháng 7 của Mỹ dành cho Ukraine có đạn pháo 155mm phân mảnh DPICM có khả năng gây sát thương lớn hơn. Ông Rice cho rằng, đạn DCIPM 155mm đã chứng tỏ hiệu quả trên chiến trường, viện dẫn rằng đã có nhiều súng của Nga bị phá hủy. Mỗi quả đạn DCIPM 155mm bao phủ mục tiêu bằng 88 quả bom, đạn con nhỏ hơn.
“Khi pháo của Nga khai hỏa, lực lượng Ukraine sẽ bắn trả bằng hỏa lực chính xác. Tuy nhiên, nếu bắn một viên đạn có tầm bắn 25km, thì cơ hội nhắm mục tiêu vào vũ khí của đối phương là rất thấp. Nhưng nếu sử dụng đạn chùm DPICM, cơ hội sẽ tăng lên 88 lần. Đó là lý do tại sao đạn pháo DPICM có thể thay đổi tình hình trên chiến trường. Loại vũ khí này có thể sẽ thay đổi cách tiến công của Ukraine và cách phòng thủ của Nga”, ông Rice giải thích.
Đầu tháng 7, Mỹ thông báo gửi bom chùm cho Ukraine. Đến giữa tháng 7, người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby xác nhận, bom chùm do Mỹ cung cấp cho Ukraine đã được Kiev triển khai trên chiến trường. Đánh giá ban đầu từ Ukraine cho thấy, bom chùm được Kiev sử dụng “khá hiệu quả” để chống lại lực lượng Nga.
Chuyên gia Rice cũng bác bỏ những lo ngại cho rằng cung cấp nhiều bom, đạn chùm cho Ukraine sẽ gây hại cho dân thường do đây là loại vũ khí gây tranh cãi do liên quan đến tỷ lệ không phát nổ. Những quả bom nhỏ không nổ có thể nằm trên mặt đất trong nhiều năm và sau đó ngẫu nhiên phát nổ.
“Chúng tôi có thể lập bản đồ mỗi lần Ukraine sử dụng bom, đạn chùm để có thể dọn sạch chúng”, ông Rice nói.
Những lo ngại về việc leo thang căng thẳng với Nga của Mỹ và một số đồng minh NATO sẽ cản trở hy vọng của Ukraine về vũ khí tiên tiến. Đến nay, Ukraine mong muốn phương Tây sẽ cung cấp máy bay chiến đấu và hệ thống tên lửa tác chiến lục quân (ATACMS).
“Tôi nghĩ rằng lo ngại về sự leo thang với Nga đã hạn chế việc cung cấp cho Ukraine nhiều hệ thống vũ khí”, ông Rice nói, cho rằng Nhà Trắng do dự cung cấp ATACMS cho Ukraine là do lo ngại Kiev sẽ sử dụng vũ khí này để tấn công cầu Crimea bắc qua eo biển Kerch. Cầu Crimea là tuyến đường tiếp tế quan trọng cho các lực lượng Nga ở Ukraine.
Cựu cố vấn của Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Ukraine kêu gọi phương Tây nhanh chóng cung cấp thêm vũ khí cho Ukraine bởi nước này sẽ khó đẩy nhanh hoạt động tiến công trong những tháng tới do thời tiết không thuận lợi.
“Vì vậy, nếu không cung cấp vũ khí phù hợp cho Ukraine ngay bây giờ, ý tôi là trong vài tuần tới, có nguy cơ chúng ta sẽ thấy một cuộc xung đột đóng băng”, ông Rice cho hay.
“Diễn biến của cuộc xung đột có thể phụ thuộc vào một số hệ thống vũ khí. Theo tôi, vào thời điểm này, Ukraine cần hệ thống ATACMS và quan trọng nhất là các tên lửa có đạn chùm để trang bị cho HIMARS”.