Ukraine cho biết họ có 30 phi công đủ điều kiện để có thể tham gia chương trình đào tạo ở Mỹ ngay lập tức. Tuy nhiên, chính quyền của Tổng thống Joe Biden nói với Kiev rằng cơ sở tại Arizona không thể tiếp nhận nhiều hơn 12 học viên phi công cùng lúc, Politico dẫn các nguồn tin cho biết. Hai cơ sở khác ở Đan Mạch và Romania cũng gặp vấn đề tương tự.
Đây là trở ngại mới nhất trong nỗ lực đưa máy bay chiến đấu F-16 hiện đại đến Ukraine.
Kiev thúc giục phương Tây bàn giao F-16 ngay từ những tháng đầu của cuộc xung đột, nhưng chính quyền Tổng thống Biden liên tục từ chối. Tháng 5/2023, Tổng thống Biden đã "bật đèn xanh" để các quốc gia khác gửi máy bay F-16 của họ cho Ukraine, nhưng những thách thức về hậu cần liên tục làm chậm khâu huấn luyện. Phương Tây cũng phải mất nhiều tháng mới chính thức đồng ý gửi máy bay cho Kiev.
Đan Mạch, Na Uy, Hà Lan và Bỉ có kế hoạch chuyển hơn 60 chiếc F-16 do Mỹ sản xuất tới Kiev trong mùa hè này.
Ukraine tin rằng việc triển khai thêm F-16 sẽ giúp họ đẩy lùi lực lượng Nga ở những chiến trường như Kharkiv , nơi Mátxcơva đạt được bước tiến đáng kể trong những tuần gần đây. Tuy nhiên, Mỹ không kỳ vọng những chiếc tiêm kích này có thể thay đổi cục diện chiến trường.
Các nguồn tin cho biết, trong một loạt cuộc họp và trao đổi qua điện thoại trong mấy tuần qua, Ukraine đề nghị Mỹ đào tạo thêm phi công tại căn cứ Lực lượng Phòng không quốc gia Morris ở Tucson, bang Arizona.
Các nghị sĩ Quốc hội Mỹ, như Hạ nghị sĩ Jim Himes và Mike Turner, chủ nhiệm Ủy ban Tình báo Hạ viện, cũng thúc ép chính quyền phê duyệt chương trình đào tạo bổ sung. Tháng trước, hai nghị sĩ cùng một số nhà lập pháp khác gửi thư đến Lầu Năm Góc để yêu cầu chính quyền ưu tiên vấn đề này.
Tuy nhiên, Mỹ nói với quân đội Ukraine rằng ngoài không gian hạn chế, các quốc gia khác cũng có thể đào tạo phi công F-16 và Mỹ không thể phá vỡ cam kết với các quốc gia đó.
Thiếu tá Erin Hannigan, người phát ngôn của Lực lượng Vệ binh quốc gia Arizona, xác nhận chương trình đào tạo đang bị hạn chế số lượng do cam kết với các quốc gia khác và yêu cầu phải hoàn thành trình độ tiếng Anh đối với học viên.
Không quân Mỹ cũng đào tạo phi công F-16 tại Căn cứ Không quân Luke, bang Arizona, và Căn cứ San Antonio, bang Texas, nhưng cũng chỉ dành chỉ tiêu nhất định cho học viên quốc tế, và phải dành suất đào tạo cho nhiều quốc gia đang vận hành F-16.
Một cựu quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ tham gia chương trình này cho biết, tám phi công Ukraine đang được đào tạo tại Đan Mạch. Tuy nhiên, cơ sở đó sẽ đóng cửa vào năm tới và sẽ không tham gia huấn luyện nữa, khi Lực lượng Không quân Đan Mạch chuyển sang sử dụng máy bay tàng hình F-35.
Hãng sản xuất máy bay F-16 Lockheed Martin và nhà thầu phụ Draken đang chuẩn bị đào tạo phi công tại cơ sở ở Romania, nhưng chương trình đó rất tốn kém và cũng sẽ chỉ đào tạo với số lượng hạn chế.
Cựu quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết, tổng cộng 20 phi công F-16 của Ukraine dự kiến sẽ tốt nghiệp vào cuối năm nay, bằng một nửa số lượng cần thiết để vận hành phi đội gồm 20 chiếc F-16. Cũng theo cựu quan chức này, tám phi công khác dự kiến sẽ được đào tạo ở Romania và tám phi công sẽ sớm đến Tucson. Cơ sở ở Đan Mạch sẽ không tiếp nhận bất kỳ phi công bổ sung nào.
Lợi thế đáng kể
Các quan chức Mỹ nhiều lần cảnh báo rằng F-16 sẽ không tạo ra khác biệt lớn trên chiến trường Ukraine.
Tại vùng Kharkiv, một quan chức Mỹ nói rằng Ukraine sẽ không thể đưa máy bay đến biên giới với Nga hoặc vào lãnh thổ Nga, vì hệ thống phòng không của Nga sẽ dễ dàng phát hiện và bắn hạ chúng.
Tuy nhiên, các quan chức tham gia chương trình cho biết F-16 vẫn sẽ mang lại lợi thế đáng kể cho Kiev.
Cựu quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết, khi Ukraine tiếp nhận những chiếc F-16 và nhóm phi công đầu tiên, họ có thể sẽ chỉ thực hiện nhiệm vụ hạn chế, như chống lại máy bay không người lái và tên lửa hành trình ở tiền tuyến.
Sau khi có một phi đội đầy đủ máy bay và phi công, việc đưa những chiếc F-16 đến biên giới và bắn vào Nga là điều “hoàn toàn thực tế” nhờ radar, hệ thống tìm kiếm và khoá mục tiêu, cùng tên lửa của máy bay phản lực đều vượt trội hơn các máy bay thời Liên Xô.
Tuy nhiên, cũng theo vị cựu quan chức, với tốc độ hiện nay, Ukraine sẽ không có đủ phi đội như mong muốn cho đến cuối năm 2025.
Một vấn đề khác là vũ khí trang bị cho F-16.
Kiev định dùng những chiếc tiêm kích này để hạ gục tên lửa hành trình và đạn đạo của Nga bắn vào cơ sở hạ tầng và các mục tiêu dân sự của Ukraine.
Những nhiệm vụ đó đòi hỏi phải có tên lửa không đối không chính xác mà Mỹ và các đồng minh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) sở hữu. Một quan chức NATO cho biết, nhiều quốc gia trong số đó không muốn từ bỏ vũ khí đắt tiền của mình.
Năng lực sản xuất tên lửa không đối không tầm trung tiên tiến AIM-120 của hãng RTX đã tăng từ khoảng 500-800 lên hơn 1.000 chiếc mỗi năm để đáp ứng đơn đặt hàng. Ukraine sử dụng phiên bản cũ hơn để tấn công tên lửa Nga.
Mối lo ngại của các đồng minh NATO là yêu cầu của Kiev sẽ gây căng thẳng cho lượng dữ trữ của họ. Vì vậy, các thành viên liên minh đang đàm phán xem ai có thể bán tên lửa của họ, bán với số lượng bao nhiêu và khi nào.