Trước đó, ngày 18/4, Bộ Quốc phòng Đức thông báo rằng Berlin đã chuyển giao một hệ thống Patriot cho Kiev. Ukraine lên kế hoạch vận hành các hệ thống phòng không Patriot mới để chống lại các tên lửa hành trình và đạn đạo.
Ngày 26/4, Tư lệnh Không quân Ukraine, Trung tướng Mykola Oleschuk đã tiến hành thị sát hệ thống phòng không tối tân này.
Phát biểu trong buổi thị sát, Trung tướng Mykola Oleschuk cho biết: "Thiết bị hiện đại của phương Tây có những đặc thù riêng, nhưng các binh sĩ của chúng tôi đã nhanh chóng làm chủ được nó và sẵn sàng ngăn chặn các mối đe dọa.".
Cũng theo ông Oleschuk, việc triển khai Patriot là nhằm bắn hạ tên lửa hành trình Kh-22 và các mục tiêu đạn đạo. Ưu điểm của hệ thống này là khả năng sử dụng các loại tên lửa khác nhau để bắn hạ nhiều mục tiêu.
Việc Ukraine nhận được các hệ thống phòng không Patriot sẽ giúp tăng cường khả năng phòng thủ của quân đội nước này trước các cuộc không kích.
Patriot là hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo do tập đoàn Raytheon của Mỹ phát triển và được đưa vào phục vụ trong quân đội Mỹ từ cuối năm 1981. Hệ thống được thiết kế để chống lại tên lửa đạn đạo, tên lửa hành trình và máy bay.
Hệ thống phòng không này bao gồm bệ phóng, trạm điều khiển và mang theo tối đa 16 tên lửa. Bệ phóng có thể được vận chuyển bằng xe tải, xe kéo và có thể được vận hành bởi một kíp gồm ba người.
Tên lửa có chiều dài 5,21 m; trọng lượng 312 kg; được trang bị một động cơ kép xung lực, có thể tiêu diệt tên lửa đang bay tới ở độ cao 40 km với tốc độ bay đạt Mach 5.
Nhờ tốc độ cao, sử dụng công nghệ tìm-diệt mục tiêu chính xác cho phép tên lửa đánh chặn nhiều mục tiêu trên không như tên lửa đạn đạo, tên lửa hành trình và máy bay chiến đấu.
Tổ hợp quan trọng nhất trong hệ thống tên lửa Patriot là hệ thống radar AN/MPQ-53/65. Loại radar này cho phép phát hiện, xác định, bám dẫn tên lửa tiêu diệt mục tiêu; điều khiển bằng điện tử quét từng phần và rất khó bị gây nhiễu.
Ukraine phô diễn sức mạnh hệ thống phòng không Patriot