Ukraine nghi ngờ Nga đang chuẩn bị cho cuộc chiến hạt nhân toàn diện

Minh Thu |

Quan chức cấp cao Ukraine nghi ngờ về những dấu hiệu cho thấy khả năng Nga đang chuẩn bị cho một cuộc tấn công hạt nhân.

Dàn phóng di động tên lửa đạn đạo liên lục địa Topol-M của Nga. (Ảnh: Reuters)

Dàn phóng di động tên lửa đạn đạo liên lục địa Topol-M của Nga. (Ảnh: Reuters)

Phát biểu tại cuộc họp báo hôm 22/12, Chủ tịch Verkhovna Rada (Quốc hội) Ukraine là ông Ruslan Stefanchuk nghi ngờ về những tín hiệu cho thấy Nga có thể thực hiện một cuộc tấn công hạt nhân tổng lực nhằm vào Ukraine.

Theo ông Stefanchuk, “tính tới năm 1991, Ukraine là quốc gia có năng lực hạt nhân đứng hàng thứ 3 trên thế giới”, do quốc gia này kế thừa kho đầu đạn hạt nhân số lượng lớn kể từ khi Liên Xô cũ sụp đổ.

Giữa lúc các nhà lãnh đạo phương Tây và cơ quan tình báo Ukraine nghi ngờ Moscow đang lập kế hoạch tấn công toàn diện nhằm vào Ukraine, Nga đã lên tiếng cáo buộc chính liên minh quân sự NATO do Mỹ đứng đầu đang gây ra mối quan ngại về hoạt động triển khai số lượng lớn vũ khí tới sát các đường giới Nga.

Cũng theo Nga, việc các quốc gia phương Tây khuyến khích giới chức Kiev tham gia vào những hành động khiêu khích có thể dẫn tới một cuộc xung đột toàn diện.RT đưa tin, ông Stefanchuk khẳng định chính Kiev “đã tình nguyện từ bỏ để trở thành quốc gia phi hạt nhân” chỉ sau vài năm. Song ông Stefanchuk nghi ngờ, “nếu Ukraine tiếp tục phát triển theo đường lối dân chủ, Nga có thể sẽ tấn công hạt nhân vào quốc gia láng giềng”.

Cụ thể, trong tháng 11, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho hay tại Ukraine, “ngày càng có nhiều lực lượng và thiết bị được dồn tới Đường giới tuyến ở vùng Donbass, cùng với sự hỗ trợ của số lượng ngày càng lớn các huấn luyện viên phương Tây”.

Đường giới tuyến là một hệ thống kênh đào và pháo đài phòng thủ dài hơn 400 km và cũng là nơi thường xuyên chứng kiến các cuộc đụng độ giữa lực lượng ủng hộ chính quyền Kiev và các lực lượng ly khai ở miền đông Ukraine.

Ông Lavrov đồng thời cảnh báo nếu như phương Tây không kiềm chế Kiev, Moscow sẽ “triển khai tất cả các biện pháp cần thiết để đảm bảo an ninh quốc gia”.

Trước đó, ông Lavrov nhận định việc các binh sĩ thuộc quân đội Ukraine sử dụng tên lửa chống tăng Javelin do Mỹ sản xuất là một diễn biến đáng quan ngại.

Hôm 21/12, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu nhận định những nỗ lực của phương Tây nhằm ngăn Nga tham gia đấu trường quốc phòng toàn cầu đã bất thành, bởi Moscow có hàng loạt đối tác trên thế giới tham gia mối quan hệ hợp tác quân sự.

Phát biểu trong cuộc họp tại Bộ Quốc phòng Nga, ông Shoigu cho biết quân đội Nga “đang hợp tác với các lực lượng vũ trang của 109 quốc gia. Điều này rõ ràng chứng minh sự thất bại trong những nỗ lực của các nước phương Tây nhằm cô lập Nga khỏi đấu trường quốc tế”.

Đáng nói, ông Shoigu còn đề cập tới mối quan hệ giữa Moscow và Bắc Kinh, cũng như nhắc tới việc “trong năm nay, Nga – Trung đã tiến hành đợt tuần tra chung trên không lần thứ 3 và tuần tra chung trên biển lần thứ nhất”.

“Hai nước sẽ tiếp tục sứ mệnh này”, ông Shoigu nhấn mạnh.

Tuyên bố của Bộ trưởng Shoigu được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Nga và phương Tây đang ngày càng gia tăng trong những tuần gần đây liên quan tới cáo buộc Moscow có kế hoạch xâm chiếm Ukraine.

Vào đầu tháng này, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland cho biết Washington cùng với các đồng minh châu Âu đang thảo luận về khả năng cô lập Nga khỏi hệ thống tài chính quốc tế, nếu như Moscow tiến hành tấn công Ukraine.

Nga đã nhiều lần lên tiếng phủ nhận cáo buộc trên và nhấn mạnh hoạt động điều động binh sĩ trong phạm vi lãnh thổ Nga không khiến các quốc gia khác phải lo ngại.

Còn vào tháng 10, các chiến hạm của hải quân Nga và Trung Quốc đã hoàn thành sứ mệnh tuần tra chung đầu tiên trên Thái Bình Dương. Sứ mệnh này được tiến hành chỉ một thời gian ngắn sau khi thỏa thuận đóng tàu ngầm 3 bên hay còn gọi là “Aukus” giữa Mỹ, Anh và Australia được công bố.

Theo nội dung trong thỏa thuận Aukus, Australia sẽ sở hữu 8 tàu ngầm hạt nhân hiện đại để thực hiện những sứ mệnh tầm xa và tàng hình. Thông qua Aukus, 3 nước Mỹ - Anh - Australia còn chia sẻ thông tin an ninh mạng, trí tuệ nhân tạo, công nghệ lượng tử và năng lực không xác định dưới biển.

Nếu như dự án Aukus thành công, Australia sẽ trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới sở hữu tàu ngầm hạt nhân, nhưng không có vũ khí hạt nhân đi kèm. Cho tới nay chỉ có 6 nước vận hành tàu ngầm hạt nhân trang bị vũ khí nguyên tử gồm Trung Quốc, Pháp, Ấn Độ, Nga, Mỹ và Anh.

Ngay sau khi Mỹ - Anh - Australia thông báo về sự ra đời của Aukus, Trung Quốc đã vô cùng tức giận. Bắc Kinh nhấn mạnh Aukus là mối đe dọa “vô trách nhiệm cực lớn” đối với sự ổn định của khu vực.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại